Báo cáo với Bộ trưởng, ông Phạm Tuấn Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết sau 1 tháng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tiếp nhận quyền quản lý điều hành cảng, Cảng Quy Nhơn giữ được nhịp độ tăng trưởng trên các mặt công tác...Mới đây, Cảng Quy Nhơn đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tổ chức đối thoại, giải quyết các kiến nghị liên quan đến người lao động, đã nâng được mức thu nhập bình quân cho người lao động lên 13,5 triệu đồng/tháng/người, tăng so với thời điểm CPH.
Theo thống kê, tháng 7/2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 756.000 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,5 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018. Ông Linh báo cáo, cảng đặt mục tiêu cuối năm 2019 đạt 8,9 triệu tấn hàng hóa, vượt 107% so với năm 2018.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn báo cáo Bộ trưởng, sau 1 tháng VIMC tiếp quản, cảng Quy Nhơn giữ được sự ổn định trong mọi hoạt động, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều tăng. Công ty đang triển khai các biện pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh như tăng cường tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tổ chức sản xuất, triển khai công tác đầu tư, mua sắm thiết bị... Ngoài mặt hàng dăm gỗ, viên nén, cảng đang thu hút nguồn hàng từ thức ăn gia súc, sắt thép, thiết bị điện gió... Bên cạnh đó, đã xác định đầu tư mạnh vào ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo môi trường khai thác.
Trực tiếp thị sát hạ tầng cầu cảng, công tác quản lý, vận hành khai thác tại cảng Quy Nhơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận kết quả bước đầu cảng đạt được sau khi chuyển quyền quản lý, điều hành về VIMC.
Theo Bộ trưởng, các đơn vị chức năng, nhà đầu tư đã phối hợp tốt để chuyển đổi lại cổ phần của Cảng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Dù có sự thay đổi nhưng Cảng Quy Nhơn đã giữ sự ổn định trong tổ chức, hoạt động sản xuất. Bắt đầu có những đổi mới, cải tiến trong công tác điều hành, khai thác để gia tăng sản lượng, cần tiếp tục phát huy để phát triển đúng tiềm năng, thế mạnh của cảng.
"Ổn định đời sống, nâng cao mức thu nhập cho hơn 800 người lao động là đáng ghi nhận nhưng cần có chính sách để duy trì bền vững, cần xác định đây là vấn đề cốt lõi trong giá trị kinh doanh. Cảng cần rà soát các khâu, bộ phận sản xuất để đảm bảo an toàn, hiệu quả lao động, ứng dụng mạnh công nghệ vào sản xuất", Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng đánh giá, dù sản lượng hàng hóa lớn nhưng cách tổ chức, vận hành khai thác của cảng Quy Nhơn còn khá manh mún, rời rạc, chưa có tính chuyên nghiệp hóa, chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường... Cần có giải pháp khắc phục tình trạng bụi bặm, không để ảnh hưởng sức khỏe người lao động, người dân vùng lân cận.
Bộ trưởng yêu cầu ban lãnh đạo Cảng phải có chiến lược về cơ cấu nguồn hàng, thu hút các mặt hàng công nghiệp để tăng giá trị vận tải, giá trị xuất nhập khẩu, là động lực cho kinh tế địa phương.
Bộ trưởng lưu ý Cảng Quy Nhơn phải có chiến lược thay đổi cơ cấu nguồn hàng, khai thác các mặt hàng công nghiệp, giá trị cao...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn kiến nghị của Cảng Quy Nhơn về công tác GPMB, di dời cảng xăng dầu đến vị trí quy hoạch mới đã được phê duyệt, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, theo tiến độ triển khai dự án đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn; thúc tiến độ tuyến QL19 tăng năng lực lưu thông hàng hóa qua cảng...
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang báo cáo Bộ trưởng, hiện nay Cục đã triển khai các giải pháp nạo vét luồng lạch, chỉnh phao C... để các tàu lớn ra vào thuận lợi, tăng khả năng khai thác cho cảng Quy Nhơn.