Chi phí vận chuyển tăng nóng giữa cao điểm Tết, doanh nghiệp than trời
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods, cho hay việc xuất khẩu các sản phẩm bánh sang Mỹ, là thị trường chủ lực của doanh nghiệp này, để phục vụ kiều bào xa quê Tết năm nay gặp trục trặc về vận chuyển.
"Do hàng hóa vận chuyển đường biển bị ảnh hưởng của chiến tranh nên phải đi đường vòng qua châu Phi, vì vậy đơn hàng năm nay sẽ bị trễ, đâu đó khoảng 15 ngày. Chi phí vì thế cũng tăng lên", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More, cho hay nhu cầu thị trường thế giới đang rất chậm, làn sóng giá cước vận chuyển đang tăng,do đó doanh nghiệp phải chờ khả năng thị trường các nước có kích được cầu lên hay, không chứ tình hình rất khó khăn, không dám xuất hàng.
Ông H.Đ (quận 10), chuyên gửi hàng hóa sang Mỹ, cũng cho biết từ đầu tháng 1 này, đơn vị logistics thông báo tăng giá cước hàng hóa gần gấp đôi so với hồi cuối tháng 11/2023.
"Mức giá cước hàng hóa tăng khoảng hơn 1.300 USD/container so với cách nay hơn 1 tháng. Hiện bên vận chuyển đang báo giá lên tới gần 3.700 USD/container", ông H.Đ nói.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cũng cho biết, hàng loạt hãng vận tải lớn như Evergreen Line, HMM, Hapag-Lloyd, Cosco Shipping, Yang Ming Line, One, Maersk… đã gửi thông báo tăng phụ phí, do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
Cụ thể, cước tàu sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 được nâng lên 2.873-2.950 USD/container cho tháng 1/2024 này.
Cước các chuyến tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 ở mức 2.600 USD/container đã nâng lên 4.100-4.500 USD/container cho tháng 1/2024.
Cước tàu sang châu Âu (EU) còn tăng mạnh hơn. Chẳng hạn, tuyến vận chuyển đến cảng Hamburg (Đức) từ 1.200-1.300 USD/container trong tháng 12/2023 được điều chỉnh tăng lên gấp hơn 3 lần, lên 4.350 USD-4.450 USD/container trong tháng 1/2024.
Nguyên nhân được lý giải là do 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng giữa Israel-Hamas, các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn...
Trong báo cáo mới phát hành về triển vọng ngành thủy sản 2024, SSI Research cho hay do căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang, chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ/châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023.
SSI Research ước tính chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3-5% trong tháng 12/2023, lên 7-10% trong tháng 1/2024.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển .
"Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn suy yếu, nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn, hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt", chuyên gia SSI Research, nhận định.
Trong khi đó, VASEP cũng dự báo, nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của ngành.
"Đây có thể là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024", VASEP nhận định.