Ông Suan Teck Kin - CEO bộ phận Kinh tế toàn cầu và Nghiên cứu thị trường ngân hàng UOB Singapore giải thích: "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, vì đó là hai nền kinh tế rất lớn và giao dịch thương mại giữa hai quốc gia này cũng lớn nhất trên toàn cầu. Vì thế, quy mô hai nền kinh tế cũng như sức ảnh hưởng trong quan hệ hai nước sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu.
Thương chiến Mỹ - Trung tác động rất mạnh vào thị trường hàng hóa và người tiêu dùng cuối cùng, một khi đã áp thuế thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và người dân, còn căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc thì thiên về quan hệ chuỗi cung ứng nhiều hơn. Hai sự kiện này khác nhau về bản chất".
Ông Suan Teck Kin
Xung đột ngoại giao và chính trị giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ cuối năm 2018 sau khi phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu nhiều công ty Nhật Bản (bao gồm Mitsubishi Heavy Industries, Nippon Steel) phải bồi thường cho những lao động người Hàn Quốc từng bị ép buộc đóng tàu và khí cụ bay thời kỳ Đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai năm 1944, cũng như những lao động cưỡng bức khác bị Đế quốc Nhật Bản ép buộc trong chiến tranh.
Quyết định này khiến Nhật Bản tức giận vì cho rằng vấn đề đã được giải quyết theo Hiệp ước Quan hệ cơ bản Hàn Quốc và Nhật Bản năm 1965, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tuyên bố một cuộc chiến tranh thương mại chính thức với Hàn Quốc khi thực hiện hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao được sử dụng trong chất bán dẫn và thiết bị hiển thị từ ngày 1/7/2019.
Cuộc đàm phán vào ngày 12/7 giữa đại diện Bộ Thương mại hai nước đã không thành công khi không giải quyết được các tranh chấp. Giữa căng thẳng thương chiến, người Hàn Quốc đồng loạt tẩy chay các sản phẩm từ Nhật Bản.
Ngày 2/8, nội các của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo đã quyết định loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" những địa chỉ xuất khẩu tin cậy của Nhật Bản. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 28-8. Theo đó, Hàn Quốc sẽ không còn được hưởng những lợi ích liên quan như các chính sách kiểm soát được nới lỏng với hàng xuất khẩu của Nhật.
Đáp trả động thái đó, ngày 12/8, Hàn Quốc đã đưa ra dự thảo hướng dẫn quy chế ưu đãi xuất nhập khẩu, theo đó, Hàn Quốc sẽ xóa tên Nhật Bản trong Danh sách Trắng các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu.
Nhóm nghiên cứu của ngân hàng UOB cho rằng, tác động của căng thẳng Hàn - Nhật sẽ không tác động quá lớn đến Việt Nam mà chỉ thay thế mắt xích cung cấp trong chuỗi cung ứng của các quốc gia này. Đây là yếu tố cần phải theo dõi thêm.
"Theo tôi, khi căng thẳng mới bắt đầu giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn có thể cầm cự được với lượng hàng trữ trong vòng 6 tháng đến 9 tháng. Sau thời gian này, căng thẳng thực sự ảnh hưởng như thế nào mới có thể thấy rõ nhất" - ông Suan Teck Kin nói.
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc ngân hàng UOB Việt Nam bình luận thêm: "Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không thể so sánh được với cuộc chiến Mỹ và Trung Quốc về tầm ảnh hưởng. Bởi lẽ, quan hệ Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến rất nhiều nền kinh tế khác, nhiều ngành nghề khác. Những ngành rất cơ bản như xuất nhập khẩu đậu nành, tưởng như không quá quan trọng nhưng cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Trong khi đó, căng thẳng Hàn Quốc - Nhật Bản có lẽ chỉ giới hạn trực tiếp đến hai quốc gia này thôi. Dù Samsung là một trong những nhà đầu tư rất lớn của Việt Nam và Việt Nam cũng là thị trường chiếm 20% xuất khẩu của Samsung ra nước ngoài nhưng hoạt động của Samsung tương đối độc lập, ở mỗi thị trường cũng sẽ mang pháp nhân riêng, là một thực thể độc lập. Dưới quan sát của tôi, ảnh hưởng căng thẳng Hàn Nhật nếu có tác động đến Samsung cũng sẽ chỉ tác động đến một số bộ phận và không mang tính toàn cầu".