Chứng khoán thế giới và châu Á tuần qua đã chao đảo vì áp lực xung quanh căng thẳng Nga - Ukraina và lạm phát Mỹ lên cao kỷ lục. Hiện chứng khoán châu Á đang chìm trong sắc đỏ, tâm lý nhà đầu tư rất nặng nề. Chỉ số Nikkei giảm 2,26% tương ứng 625 điểm, Shanghai giảm 30 điểm, tương ứng 0,86%;p chỉ số HSI giảm 356 điểm tương ứng 1,43%, chỉ số KOSPOI giảm 42 điểm tương ứng 1,55%.
Không nằm ngoài xu hướng đó, chứng khoán Việt Nam mở phiên đầu tuần chìm trong sắc đỏ với lượng giảm sâu. Chốt phiên giao dịch 14/2, chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm (gần 2%) xuống 1.471,96 điểm.
Theo giới chuyên gia, áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục ở Mỹ, giá hàng hoá lập kỷ lục mới đặc biệt là giá dầu, cộng với dư âm của căng thẳng Nga - Ukraina ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của giới đầu tư.
Về tác động của hai sự kiện này tới thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT cho rằng, nếu như xảy ra xung đột giữa Ukraina và Nga sẽ tác động tới tâm lý của thị trường tài chính và giới đầu tư là trọng yếu. Về kinh tế, những tác động tiêu cực sẽ được khoanh vùng ở khu vực xảy ra cuộc chiến.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT
Theo ông Tuấn, sẽ có ba kịch bản có thể xảy ra.
Kịch bản 1: Hành động quân sự quy mô lớn và xâm lấn sâu vào Ukraina - xác xuất thấp và Nga sẽ sa lầy cũng như kích thích việc NATO ủng hộ Ukraina cao hơn với sự đồng thuận từ phía Mỹ. Với kịch bản này ông Tuấn đánh giá thị trường tài chính toàn cầu cũng như Việt Nam sẽ chiết khấu (giảm giá) tương đối quanh 8-10%.
Kịch bản 2: Nga tiến hành chiến dịch quân sự với quy mô khoanh lại và trọng yếu nhằm gửi đi một thông điệp cho NATO, Mỹ và Ukraina về sự "nắn gân" và sẵn sàng dùng vũ lực với sự bành trướng lợi ích này. Ông Tuấn đánh giá đây là kịch bản có xác suất tương đối.
Với kịch bản này thị trường tài chính toàn cầu sẽ giảm giá nhẹ hơn kịch bản 1 và nhanh chóng bình ổn hậu xung đột.
Kịch bản 3: Mỹ và NATO nhượng bộ, đi kèm một loạt chính sách hoà hoãn và thương mại, đây là kịch bản tính khả thi cao nhất hiện tại và là thượng sách mà Nga có nhiều khả năng chọn nhất trong bối cảnh này. Nếu điều đó xảy ra, xung đột sẽ sớm hạ nhiệt và mọi thứ sẽ tốt hơn vì từ kì vọng xấu sang kì vọng tốt.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Tuấn cho rằng tính phòng thủ về danh mục cần được đẩy lên để đề phòng những rủi ro hội tụ lớn hơn nếu như các bên lún sâu vào xung đột này.
Về thị trường tuần này, Founder của FIDT cho rằng có hai vấn đề có tính trọng yếu ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam về tâm lý.
Thứ nhất, lạm phát tháng 1 của Mỹ cao kỷ lục 7,5%. Điều này sẽ gây áp lực lên FED trong việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới đây. Ngày 14/2/2022 FED sẽ tổ chức 1 cuộc họp khẩn cấp. Tuy nhiên, trong cuộc họp này mình dự báo FED sẽ không đưa ra quyết định về lãi suất do cuộc họp này không có đầy đủ các thành viên của hội đồng thị trường mở (FOMC).
"Hiện tại vẫn chưa có ảnh hưởng cụ thể đến Việt Nam. Tỷ giá VND sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lạm phát. Nếu đồng VND của chúng ta mạnh lên thì chúng ta sẽ tránh được việc nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Về tỷ giá, sau kì nghỉ lễ đến nay thì tỷ giá VND vẫn ổn định. Đây là điểm khá tích cực hiện tại", ông Tuấn đánh giá.
Thứ hai, những căng thẳng giữa Nga, Ukraine và các nước NATO và nguy cơ bùng lên cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng tác động tâm lý lớn đến thị trường chứng khoán.
Trước đó, đầu năm 2022, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng cho rằng năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid-19 dẫn tới lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán.
"Về yếu tố nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi cho rằng cho đến nay thị trường chứng khoán đã tích lũy được thành quả về cả "lượng và chất", tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài. Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch; đồng thời, chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro", ông Dũng nhấn mạnh.