Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Tuy nhiên, những bất ổn sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải là khả năng và phương thức thanh toán của doanh nghiệp giữa 2 nước.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam. Trước mắt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) sẽ khiến việc thanh toán trong xuất nhập khẩu hàng hóa gặp những khó khăn nhất định. Sự căng thẳng này chỉ làm giao thương xuất nhập khẩu của hai bên bị gián đoạn tạm thời chứ không làm đứt gãy hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Nga là thị trường tiềm năng và có nhu cầu cao về nông sản, đặc biệt là vào mùa đông trong khi yêu cầu về chất lượng nông sản nhập khẩu mà thị trường Nga đưa ra không cao như thị trường châu Âu. Đây là cơ hội để nông sản của Việt Nam thâm nhập thị trường này trong thời điểm hiện nay nếu 2 bên sớm tìm được hướng thanh toán mới.
"Thủy sản về nhu cầu có thể không giảm mà còn tăng lên, nhưng khó khăn về khả năng thanh toán với phương thức thanh toán cũng tăng lên, bởi nguồn ngoại tệ thiếu, thanh toán qua ngân hàng bị gián đoạn. Tuy nhiên, cũng có cơ hội vì nhu cầu sẽ tăng; nếu chúng ta tìm được hướng thanh toán mới bằng ngoại tệ thích hợp thì có thể bán được với giá cao hơn và tận dụng được cơ hội, tìm được phương thức thanh toán mới" - ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, mặc dù tỷ trọng của cá tra Việt Nam tại thị trường Nga không phải là quá lớn so với các thị trường khác nhưng do căng thẳng giữa Nga – Ukraine đã có một số doanh nghiệp chưa thanh toán được tiền cho các đơn hàng đã giao ngay sau khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán (SWIFT). Nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Hiệp hội Cá tra cũng đã báo cáo nhanh lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và kiến nghị các ngành chức năng sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc: "Việc cấm vận không cho Nga thanh toán trên hệ thống ngân hàng toàn cầu là vấn đề rất mới hiện nay, các doanh nghiệp cũng chỉ biết kiến nghị khẩn cấp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để tìm cách giúp doanh nghiệp tháo gỡ thu hồi được các khoản tiền mà hàng đã giao hàng xong. Còn đối với doanh nghiệp về thị trường cũng nỗ lực để nếu thị trường Nga gặp khó khăn thì sẽ tìm các thị trường khác để bù đắp lại lượng xuất khẩu".
Lưu ý các doanh nghiệp thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: "Trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ và nắm thông tin thông qua các nhà nhập khẩu bởi vì thực tế chiến sự xảy ra ở Ulraine còn lại những nhà nhập khẩu thì ở Nga.
Vấn đề hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết kênh thanh toán rồi sau đó là đến vận chuyển. Nói chung tình hình nhìn trước mắt nhiều cái còn khá khó khăn, làm sao mình tập trung từng việc một để giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể thấy được phương án cụ thể. Trong thời gian tới hy vọng cuộc xung đột này sẽ sớm được giải quyết trên cơ sở đó mới giúp cho hoạt động xuất khẩu vào thị trường Nga trở lại bình thường".
Trước diễn biến căng thẳng từ xung đột giữa Nga-Ukraine, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn để tìm giải pháp giữ ổn định xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga. Do đó, việc cập nhật thông tin về diễn biến tại khu vực thị trường này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt giảm được rủi ro trong giao dịch thương mại.../.