Chúng tôi xin được đăng báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi.
Diễn biến động thái leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng kể từ tháng 3/2018 đến nay. Ngày 23/8/2019, căng thẳng thương mại giữa hai nước được đẩy lên nấc cao mới khi hai bên tuyên bố sẽ áp mức thuế quan cao hơn để trả đũa lẫn nhau; theo đó Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 5 hoặc 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019). Ngoài ra, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ô tô và phụ tùng ô tô, Trung Quốc sẽ áp thêm thuế lần lượt là 25% và 5%, từ 15/12/2019.
Ngay lập tức, Tổng thống D. Trump tuyên bố đáp trả bằng cách sẽ nâng mức thuế lên 30% (thay vì mức đang áp dụng 25%) đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1/10/2019) và sẽ áp mức thuế 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc từ 1/9/2019 (thay cho mức 10% như kế hoạch trước đó; trong đó có một số mặt hàng sẽ bị áp thuế từ 15/12/2019); đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, gần như toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước sẽ bị áp thuế cao hơn, với thời điểm xa nhất là ngày 15/12/2019. Đồng thời, Tổng thống D. Trump cũng tuyên bố "không cần Trung Quốc", kể cả việc yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm giải pháp thay thế hàng hóa Trung Quốc, cho thấy thái độ rất cứng rắn của phía Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không nhượng bộ, chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, sáng ngày 26/8/2019, Chính phủ Trng Quốc cũng đã dịu giọng hơn và tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Dù vậy, diễn biến rất khó lường và có thể lan rộng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, đất hiếm, tài chính…v.v.
Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam
Các tổ chức quốc tế (như IMF, WB,...) đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị "mắc kẹt" trong cuộc chiến này vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.
Theo Oxford Economics, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có thể giảm 0,5 điểm %, của Mỹ sẽ giảm 0,5 điểm % và của Trung Quốc giảm khoảng 1,3 điểm % năm 2020. Gần đây nhất, bộ phận nghiên cứu của Citibank cũng đánh giá, trong hai năm tiếp theo, chính sách áp thuế nêu trên có thể làm tăng trưởng của Trung Quốc giảm từ 1-1,8 điểm %; của Mỹ giảm khoảng 0,1-0,4 điểm % và kinh tế thế giới giảm khoảng 0,2-0,8 điểm %. Tuy nhiên, với những diễn biến mới từ 23/8, chưa thể đánh giá hết được những tác động của cuộc chiến này. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa hai nước còn tác động tiêu cực đến đầu tư, gián đoạn chuỗi cung ứng nếu Mỹ rút doanh nghiệp khỏi Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa bằng một số công cụ khác như đánh thuế tiếp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ còn lại, hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, giảm nhập khẩu xăng dầu từ Mỹ …v.v.
Đối với nền kinh tế Việt Nam: như nhóm tác giả đã dự tính trong Báo cáo tháng 5/2019 về chủ đề này, trong ngắn hạn xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực, chủ yếu do cầu giảm, do Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng và bảo hộ thị trường trong nước nhiều hơn, và dịch chuyển đầu tư đòi hỏi thời gian. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ tăng 7,5% (so với mức tăng 15,3% cùng kỳ năm 2018).
Trong dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực hơn khi đối tác tìm kiếm hàng hóa thay thế và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư bắt đầu kinh doanh và xuất khẩu. Đối với ngành hàng, nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu, thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn. Ngược lại, với thị trường trong nước, các ngành hàng như thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử,… sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.
Về đầu tư, hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc, Hồng Kông sang ASEAN và Việt Nam đã xuất hiện, trong đó Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực. Cùng với đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng sẽ hưởng lợi. Trong 7 tháng năm 2019, có sự dịch chuyển vốn đáng chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kong vào Việt Nam với tổng vốn FDI đạt gần 7,6 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,5% tỷ trọng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn đề "đội lốt thương mại, đầu tư" đang và tiếp tục diễn biến phức tạp; đòi hỏi Việt Nam tỉnh táo ngăn chặn, sàng lọc và chủ động tăng khả năng hấp thụ.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã và đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu; gây ra gián đoạn, trì hoãn sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp FDI ở nhiều nước tham gia chuỗi, trong đó có Việt Nam. Bộ phận nghiên cứu của Citibank nhận định Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc chịu ảnh hưởng khá lớn trong rủi ro chuỗi cung ứng.
Với diễn biến như trên, nhóm tác giả của BIDV có cùng quan điểm với nhận định của các tổ chức lớn (như WB, IMF, ADB….) dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng khá (6,5-6,6%), nhưng sẽ thấp hơn so với năm 2019 (6,7-6,8%).
Tác động đối với thị trường tài chính
Thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là hàn thử biểu phản ứng. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, từ vòng áp thuế 5 và 6 gần đây, thị trường giảm điểm mạnh, cùng chiều với TTCK Trung Quốc (Hình 1).
Hình 1: Diễn biến căng thẳng thương mại và biến động TTCK Mỹ và Trung Quốc
Nguồn: Bloomberg, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.
Với vòng 6, ngay sau các tuyên bố trả đũa áp thuế, ngày 23/8/2019 chỉ số Dow Jones giảm hơn 2,37%, S&P 500 giảm 2,59%, Nasdaq giảm 3%. Tương tự, tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 giảm 0,47%, DAX giảm 1,15%... Tương tự, các TTCK châu Á nói chung và TTCK Trung Quốc nói riêng đều phản ứng tiêu cực. Đến 12h ngày 26/08/2019 (giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite giảm 1,29%, Hang Seng giảm 3,18%, Nikkei 225 giảm 2,29%... (Hình 2). Riêng chỉ số VNindex của Việt Nam giảm nhẹ hơn (0,96%), có thể nhà đầu tư cảm nhận mức độ tác động có phần ít hơn…v.v.
Hình 2: Biến động một số thị trường chứng khoán ngày 26/8/2019 (điểm, %)
Nguồn: Bloomberg, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.
Đối với tỷ giá, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh đến tỷ giá của hầu hết các nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm giá của hầu hết các đồng tiền so với USD vẫn tiếp tục diễn ra (ngoại trừ một số đồng tiền như JPY, THB, RUB…); đặc biệt là đồng tiền các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và được đánh giá là sẽ bị tác động tiêu cực bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, VND được đánh giá là tương đối ổn định, biến động rất ít từ đầu năm đến nay (Hình 3).
Hình 3: Biến động một số đồng tiền so với USD từ đầu năm đến ngày 26/8/2019
Nguồn: Bloomberg, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.
Qua minh chứng và phân tích nêu trên, có thể thấy chiến tranh thương mại leo thang đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu; với Việt Nam ở mức độ ít hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định, dự báo đầy đủ.
Lời kết:
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và khó lường hơn, tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam ngày càng lớn; đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau (kể cả kịch bản xấu nhất). Đối với Việt Nam, cơ hội là có, nhưng rủi ro, thách thức cũng nhiều; nên cần chủ động tăng năng lực, đa dạng hóa thị trường để tận dụng cơ hội xuất khẩu, cân bằng hơn thương mại với Mỹ; tỉnh táo sàng lọc các dự án đầu tư; kiên quyết chống gian lận đội lốt thương mại; tỉnh táo không xoáy vào chiến tranh tiền tệ; điều chỉnh cách thức can thiệp thị trường ngoại hối phù hợp nhằm tránh bị cho là thao túng tiền tệ.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, bằng cách quan tâm đẩy nhanh tái cơ cấu, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, giảm mạnh nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách, tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát dòng vốn đầu tư…v.v.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV