Theo các quan chức y tế liên bang, trong hơn một năm, chính phủ Trung Quốc đã giữ những mẫu virus có khả năng lây lan rất nhanh chóng, không cung cấp cho phía Mỹ dù đây là các mẫu rất cần thiết để điều chế vắc xin và phương pháp điều trị.
Bất chấp những yêu cầu liên tục được gửi từ phía chính phủ và các viện nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc vẫn không cung cấp các mẫu virus cúm gia cầm H7N9. Trước đây, những hoạt động trao đổi như vậy là thường lệ và được tuân theo quy tắc của WHO.
Hiện tại, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, các nhà khoa học lo ngại rằng việc trao đổi nguồn cung cấp và thông tin y tế có thể bị chậm lại, ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng tránh mối đe doạ về sinh học trong tương lai.
Tiến sĩ Michael Callahan, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Khoa Y - Đại học Harvard, cho biết, việc này "không giống như việc thiếu những mặt hàng như nhôm hay đậu tương, mà rất nguy hiểm đối với Mỹ khi tiếp cận với các mầm bệnh và phương pháp điều trị của nước ngoài nhằm chống lại loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan toàn cầu trong vòng vài ngày."
Các chuyên gia đồng tình rằng đại dịch toàn cầu tiếp theo của thế giới có thể sẽ xuất phát từ bệnh cúm, và H7N9 chính là một trong những nguyên nhân đó.
Kể từ khi "nhen nhóm" ở Trung Quốc vào năm 2013, loại virus này đã lây lan qua các trại gia cầm, phát triển thành một loại virus gây bệnh có thể lây nhiễm sang người, đã có 40% mắc phải loại bệnh này đã tử vong.
Nếu loại virus này dễ lây lan ở người, vắc xin cúm theo mùa sẽ không đủ mạnh để phòng ngừa, trong khi người Mỹ hầu như không có khả năng miễn dịch.
Rick A.Bright, Giám đốc Cơ quan thẩm quyền Phát triển và Nghiên cứu Sinh Y học Tiên tiến, cho biết: "Đại dịch cúm lây lan nhanh hơn bất cứ loại bệnh nào. Không có cách nào để khiến quá trình lây lan đó chậm lại. Mỗi phút đều rất quan trọng."
Theo một thoả thuận được WTO đưa ra, các nước thuộc tổ chức đều phải chuyển mẫu cúm có khả năng phát triển thành đại dịch cho trung tâm nghiên cứu được chỉ định "một cách kịp thời".
Theo tiến sĩ Larry Kerr, làm việc tại Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ, quá trình này lại liên quan đến các thủ tục về giấy tờ và phải được một số cơ quan, các nhà cung cấp dịch vụ phê duyệt, cấp phép.
Nhưng hơn một năm sau khi "cơn sóng" H7N9 bùng phát tại châu Á - với hơn 766 trường hợp bị lây nhiễm, hầu hết đều ở Trung Quốc - thì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh vẫn đang chờ đợi một số mẫu virus, Hội đồng An ninh Quốc gia và WHO đã xác nhận việc này.
Các nhà khoa học tại Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gặp khó khăn trong việc lấy mẫu cúm từ Trung Quốc, họ phải ngừng việc yêu cầu hoàn toàn.
Vào thời điểm virus H7N9 mới xuất hiện tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho biết chính phủ nước này đã cung cấp những thông tin kịp thời. Tuy nhiên, những thông tin về sau này ngày càng ít hơn. Căng thẳng thương mại leo thang khiến cho vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trong tháng 4 đã công bố danh sách các sản phẩm được đề xuất đánh thuế, bao gồm các loại dược phẩm như vắc xin, thuốc và thiết bị y tế.
Đến nay, vẫn không có sản phẩm y tế nào được đưa vào danh sách đánh thuế. Tuy nhiên, cuộc đàm phán thương mại diễn ra cách đây vài ngày có thể sẽ làm tăng số lượng các mặt hàng bị áp thuế bổ sung.
Mỹ "dựa dẫm" vào Trung Quốc không chỉ các mẫu virus cúm H7N9 mà còn là các loại dược phẩm, chẳng hạn như nguyên liệu cho một số loại thuốc chữa trị ung thư và gây mê. Một trong số loại dược phẩm này được sản xuất theo mô hình just in time, tức là mỗi công đoạn của quá trình sản xuất chỉ sản xuất ra 1 số lượng đúng bằng số lượng mà công đoạn tiếp theo cần đến. Vì thế, nếu nguồn cung bị gián đoạn thì sẽ rất nguy hiểm cho quá trình nghiên cứu điều chế vắc xin cũng như phòng ngừa dịch bệnh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không đưa ra nhiều câu trả lời về việc này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cũng không trả lời những câu hỏi liên quan đến việc trao đổi mẫu virus.