Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine được coi như một trong những động thái quân sự nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai. Sự việc đã làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đang nhen nhóm giữa Nga và phương Tây, với hậu quả có thể tàn phá cấu trúc an ninh châu Âu.
Phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đang tìm cách vẽ lại các ranh giới sau Chiến tranh Lạnh, thiết lập một khu vực an ninh rộng lớn, do Nga thống trị và "uốn nắn" Ukraine trở lại quỹ đạo của Moscow. Nga đã yêu cầu NATO ngừng "vươn tay" về phía đông và đồng ý không kết nạp Ukraine là thành viên. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ những yêu cầu đó.
Những bước đi của Nga có thể ngày càng gây bất ổn cho một khu vực đầy biến động thời hậu Xô Viết. Nơi này vốn đã luôn ở trong tình trạng bấp bênh, bao gồm cuộc nổi dậy ở Kazakhstan trong năm nay và cuộc nổi dậy ở Belarus vào năm 2020. Trong cả hai trường hợp, các nhà lãnh đạo dưới áp lực đều đứng về phía Nga, càng củng cố thêm quyền lực của Moscow.
Đối với Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine là một phép thử về sự quyết tâm khi nước này vẫn đang tìm cách khôi phục niềm tin vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. Đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan và chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Đối với một NATO vốn thường phải vật lộn để giành được vị thế trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng dường như đã làm hồi sinh liên minh. Các quốc gia thành viên đều phối hợp trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, mặc dù không phải tất cả đều tán thành về mức độ nghiêm trọng của các biện pháp.