Cần tạo điều kiện cho shipper hoạt động. Càng căng, thắt chặt thì càng phải cho shipper hoạt động, nhưng cần quản lý chặt đội ngũ này. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, dân bớt ra đường.
Siêu thị thiếu shipper, dân buôn online huỷ đơn hàng
Ba ngày nay, chị Lê Thanh Hương ở Cầu Giấy (Hà Nội) buồn rầu vì lô vịt thịt chạy đồng hơn 100 con nhập về phải chất đống trong tủ cấp đông, bởi không thể gọi được shipper giao hàng cho khách đã đặt.
Vốn là dân bán hoa tươi online, nhưng từ khi Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị Hương dừng bán hoa vì không phải là hàng hoá thiết yếu, chuyển sang bán thịt vịt chạy đồng, thịt lợn mán. Chị mong khi mọi người ở nhà, hạn chế ra ngoài để phòng chống dịch nên nhu cầu đặt mua thực phẩm online sẽ tăng cao giúp gia đình kiếm thêm trong mùa dịch.
Hai ngày sau lệnh giãn cách, chị vẫn gọi được shipper đi giao hàng. Đến này thứ 3, lượng khách đặt nhiều hơn hẳn. Chỉ trong vòng một ngày lượng khách đặt lên tới hơn 100 con vịt.
Chị báo trang trại giết mổ rồi chuyển hàng cho mình. Nhưng, “đến lúc nhận lô vịt về, lại ế cất tủ do shipper không được phép hoạt động”. Chị nói và cho biết, không gọi được shipper, chị lại phải nhắn tin cho từng khách hàng xin lỗi và huỷ đơn. Một số khách quen thì họ nhắn lại giữ vịt, khi nào có shipper thì giao hàng.
Không có shipper, dân buôn online phải huỷ loạt đơn hàng, siêu thị cũng gặp khó khăn vì thiếu shipper (ảnh: IT) |
Chị Đoàn Thanh Mai – đầu mối bán hải sản online ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, cá thu, mực tươi, tôm... về đầy nhà. Tất cả đều là hàng khách đặt trước đó. Nhưng do mấy ngày qua ở Hà Nội cấm shipper hoạt động nên chị đành phải điện thoại cho khách xin huỷ đơn hàng.
Trước đó, trao đổi về vấn đề hoạt động của shipper khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết thành phố đã chỉ đạo ngành Công Thương, Sở GTVT phối hợp thống nhất đối tượng nào thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực TMĐT, được phép lưu thông trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ. Cụ thể đó là những nhân viên shipper của hệ thống siêu thị, hệ thống logistic của sàn TMĐT để tham gia vận chuyển trên địa bàn.
Điều này đồng nghĩa shipper, tài xế công nghệ, đối tác của các ứng dụng gọi xe như Grab, Be, Gojek, MyGo và FastGo vẫn không được hoạt động trên địa bàn Hà Nội sau Chỉ thị 17.
Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” chiều 29/7, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, ở Hà Nội, các siêu thị được duy trì một lượng shipper nhất định để vận chuyển hàng hóa, nhưng do nhu cầu của người dân lớn nên thường xuyên chậm đơn hàng, quá tải.
Hà Nội đang cấp cho hệ thống siêu thị lượng shipper giao hàng nhưng vẫn cần phải bổ sung vì quá tải, lượng hàng cần giao đi hàng ngày rất nhiều.
“Trong chuỗi cung ứng, ùn tắc trong các khâu cộng lại dẫn đến tình trạng hàng hóa bị đứt gãy nếu mỗi tỉnh gặp khó. Khi đi giao hàng đã khổ, lúc về lại khổ nữa. Vì vậy, chính quyền địa phương sát sao hơn ở trạm kiểm tra, kiểm soát để vận chuyển được qua chốt nhanh hơn”, bà Hậu nói.
Theo đại diện một siêu thị ở Đồng Nai, nhân viên bán hàng, giao hàng siêu thị cứ 3 ngày phải xét nghiệm một lần, chờ đợi mất cả buổi. Trong khi đó, khách hàng đặt online nhiều do họ không được ra khỏi nhà thì lực lượng shipper lại không được hoạt động.
ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị cho shipper hoạt động |
Càng thắt chặt, càng phải cho shipper hoạt động
Trước nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, siêu thị, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, các tỉnh, thành phố đang tự làm đứt gãy chuỗi cung ứng bằng những quy định không thống nhất.
Hiện chúng ta đang chống dịch nhưng có vẻ như chưa tính hết yếu tố hậu cần cho người dân. Nhiều người đang phản ánh có thể không chết vì dịch mà có thể chết đói. Theo ông, hàng hoá phải được lưu thông vì có thể hàng không thiết yếu nhưng tạo ra hàng thiết yếu.
Dù yêu cầu thực hiện Chỉ thị 16 nhưng Chính phủ cũng giao cho các tỉnh linh hoạt tùy từng địa phương để áp dụng. Ví dụ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…thuộc “vùng đỏ” thì cần thiết phải siết chặt, nhưng những nơi khác thì vừa áp dụng nghiêm các điều kiện phòng chống dịch, song vẫn phải đảm bảo cho lưu thông hàng hóa.
"Chính tôi đề nghị cho shipper hoạt động", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, tất cả chúng ta đều cần tiêm vắc xin. Nhưng chưa có thì phải chọn giải pháp phòng là chính. Shipper thì cho xét nghiệm và cho hoạt động.
Ông đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện cho shipper hoạt động. Đó là shipper có sự quản lý và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch của các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp công nghệ… Điều này nhằm đảm bảo rằng các shipper tham gia hoạt động giao nhận bưu gửi, hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phải bảo đảm tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Càng căng, thắt chặt thì càng phải cho shipper hoạt động, nhưng cần quản lý chặt đội ngũ này. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong chính tỉnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngày 29/7, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã nhận được hơn 15.200 tài xế xe môtô hai bánh đăng ký vận chuyển hàng hóa. Trong số này, Sở Công Thương gửi danh sách 699 xe, Sở TT&TT gửi thông tin 14.484 xe.Theo đó, Sở đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là môtô hai bánh, còn 663 xe chờ duyệt.
Tâm An