Thời gian qua, một số khách hàng bị lừa, rơi vào cảnh điêu đứng khi sổ tiết kiệm bị lợi dụng lừa đảo.
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa truy tố Nguyễn Thị Hà Thành về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thành bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các thủ đoạn để thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB), Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) và nhiều cá nhân khác.
Thủ đoạn chính của Thành là “dụ” những người túi tiền rủng rỉnh gửi vào các ngân hàng mà Thành có quan hệ. Rồi thỏa thuận vay tiền chấp nhận trả cho chủ sổ lãi suất cao cắt cổ nhưng giữ sổ tiết kiệm của họ.
Sau đó, Thành và đồng phạm đã giả mạo chữ ký của “khổ chủ”, lập giả các giấy tờ có công chứng để hoàn thiện thủ tục vay vốn cho các doanh nghiệp bằng tài sản đảm bảo chính là những sổ tiết kiệm đang cầm và rút tiền từ ngân hàng.
Dụ người nhiều tiền gửi tiền rồi chiếm luôn số tiết kiệm của khách (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, Thành còn dùng thủ đoạn góp tiền đồng gửi tiết kiệm cùng một số nạn nhân để được hưởng lãi suất ngân hàng cao hơn. Sau đó, cũng cầm sổ tiết kiệm này, giả mạo chữ ký của người đồng sở hữu, thế chấp vào ngân hàng để vay vốn cho các doanh nghiệp, rồi rút ra chi tiêu mà người gửi tiền cùng không hề biết.
Cụ thể, năm 2018, qua làm ăn, Thành biết ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ Tạ Thị Thu Trang đang có khoản tiền 52 tỷ đồng. Để vay vốn vợ chồng Toàn, Thành đề nghị vay tiền bằng hình thức gửi 52 tỷ vào ngân hàng do Thành quen biết và hướng dẫn là PvcomBank, sau đó đưa sổ tiết kiệm cho mình và nhận lãi ngoài.
Ông Toàn đã gửi số tiền vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ, rồi đưa cả 3 sổ cho Thành giữ và nhận lãi tiền mặt 4,2%/tháng, tương đương khoảng 50,4%/năm.
Thành và đồng bọn đã làm giả hồ sơ thông qua pháp nhân các DN là Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn bà Trang gửi tại ngân hàng này và đã giao cho Thành.
Các nhân viên ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ đã tin Thành là khách vip nên thiếu trách nhiệm, giao hồ sơ cho Thành tự đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm. Từ sơ hở này, Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank.
Khi phê duyệt hồ sơ, Đỗ Minh Đức người được uỷ quyền của Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng miền Bắc - PVB phê duyệt đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp vợ chồng ông Toàn mà nhờ Thành cầm đưa ký hộ song Đức chủ quan, chỉ kiểm tra lại trên máy tính và vẫn ký duyệt cấp tín dụng 49,4 tỷ đồng.
Thủ đoạn tinh vi của siêu lừa
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, các quy trình của ngân hàng rất chặt chẽ và nghiêm ngặt, nếu thực hiện đúng rất khó để xảy ra chuyện mất tiền với khoản lớn. Trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến mất tiền, là do lỗi và sai phạm của chính các cán bộ, nhân viên ngân hàng khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cáo trạng của Viện kiểm sát TP. Hà Nội đã nêu rõ, vụ ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ Tạ Thị Thu Trang có khoản tiền 52 tỷ đồng gửi tại ngân hàng đã bị Thành và đồng bọn làm giả chữ ký để vay hơn 49 tỷ đồng là do các nhân viên ngân hàng thiếu trách nhiệm, giao cho Thành tự đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm.
Từ sơ hở này, Thành đã giả chữ ký và giả vân tay vợ chồng ông Toàn, rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền ngân hàng. Khi phê duyệt hồ sơ, dù đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp vợ chồng ông Toàn mà nhờ Thành cầm đưa ký hộ, song người có trách nhiệm chủ quan, chỉ kiểm tra lại trên máy tính và vẫn ký duyệt cấp tín dụng 49,4 tỷ đồng.
ảnh minh họa |
Trong một vụ khác, một nhân viên phòng giao dịch biết Thành giả chữ ký các đồng sở hữu sổ tiết kiệm để vay vốn, nhưng vẫn có hành vi che giấu, tiếp tay...
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Đức, các quy định đã nêu rõ, khi thủ tục gửi tiền vào ngân hàng hoàn tất thì số tiền này do ngân hàng quản lý. Nếu số tiền này bị mất hoặc bị chiếm đoạt thì phía ngân hàng phải có trách nhiệm.
Các chuyên gia cho rằng, theo quy định, chỉ người chủ sở hữu của sổ tiết kiệm mang sổ này ra ngân hàng mới rút tiền tất toán. Muốn rút được tiền còn phải có chứng minh nhân dân, chữ ký cũng phải khớp. Còn nếu người khác được tất toán hay thực hiện giao dịch gì bằng sổ tiết kiệm đó thì buộc phải có giấy ủy quyền có công chứng của người chủ sở hữu sổ.
Đến nay, những sổ tiết kiệm đã bị Thành thế chấp vay vốn, đến nay không mất đi, nhưng nằm yên một chỗ. Mấy năm qua, việc xử lý sổ tiết kiệm này theo yêu cầu của khách là không thể vì theo ngân hàng họ cũng là nạn nhân trong vụ lừa đảo, do vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và ngân hàng chỉ có cơ sở giải quyết theo Bản án có hiệu lực pháp luật.
Cẩn thận khi giữ sổ tiết kiệm
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các khách hàng cũng mắc phải sai sót. Đó là đã để cho người khác giữ sổ tiết kiệm của mình. Vì ham lãi suất cao nên vợ chồng ông Toàn đã gửi tiền vào ngân hàng, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý, để nhận ngay khoản lãi ngoài cao cắt cổ tới 4,2% một tháng (cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng). Từ đó, tạo điều kiện cho Thành dùng những sổ này thế chấp vay tiền.
Còn những nạn nhân đồng gửi tiết kiệm ngân hàng với Thành tại ngân hàng cũng có sơ suất khi không quan tâm đến cuốn sổ tiết kiệm mà để Thành cầm, nên đã bị lừa.
Trong khi đó, ngân hàng lại tố giác ông Đặng Nghĩa Toàn và một số khách hàng biết rõ Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của mình thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Lãi suất là yếu tố nhiều người gửi tiền quan tâm đầu tiên và ai cũng muốn lãi suất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, khách hàng không nên quá tập trung vào lãi suất. Bởi vì lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao. Khi gửi tiết kiệm ngân hàng cần quan tâm đến các yếu tố khác nữa như: uy tín, bề dày lịch sử, thương hiệu ngân hàng, chất lượng dịch vụ, tiện ích đi kèm ở ngân hàng mà mình gửi tiền. Nên tìm hiểu kỹ về ngân hàng mình chọn gửi tiền. Đặc biệt, cần quan tâm đến những đánh giá, phản hồi từ các khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng đó.
Quan trọng nhất là phải giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, không được để cho người khác “giữ hộ” với bất kỳ lý do nào. Bởi kẻ lừa đảo có thể giả chữ ký để tất toán trước hạn. Cùng với đó, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Hãy chia nhỏ số tiền ra rồi gửi ở các ngân hàng khác nhau, tránh gửi một khoản lớn vào một ngân hàng, những kẻ lừa đảo thường nhắm đến khách hàng có khoản tiền gửi lớn.
Về phía ngân hàng cũng cần áp dụng các quy định và quy trình quản lý để bảo vệ ngân hàng và khách hàng trước những thất thoát và thiệt hại xảy ra. Phải luôn đảm bảo, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận tiền gửi là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như giữ vững được uy tín, thương hiệu. Để đảm bảo an toàn giao dịch, an toàn tiền gửi, không chỉ TCTD mà cả người gửi tiền đều phải tuân thủ các quy định pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn.
Trần Thủy