Nghiên cứu nêu rõ, 9 trong 10 người tiếp xúc với mức ô nhiễm không khí cao có thể bị ung thư hoặc các bệnh về tim mạch. Những khu vực ô nhiễm không khí ở mức cao nhất là phía đông Địa Trung Hải và các nước Đông Nam Á, với một số khu vực, lượng độc tố trong không khí cao gấp 5 lần giới hạn cho phép của WHO. Người nghèo cũng là đối tượng dễ tổn thương nhất của tình trạng này.
Ô nhiễm không khí không chỉ xuất hiện tại các thành phố đông dân cư, với nền công nghiệp phát triển. Khoảng 3 tỷ người trên khắp thế giới đang chịu nguy hiểm từ khói phục vụ nấu nướng và các đám cháy. Ô nhiễm không khí có nguồn gốc từ nhà bếp gây ra cái chết của 3,8 triệu người trong năm 2016.
"Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả nhân loại nhưng người nghèo chịu tác động nặng nề nhất. Nếu chúng ta không hành động khẩn cấp về ô nhiễm không khí, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được các chỉ tiêu của phát triển bền vững", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo của WHO, những nước ít ô nhiễm nhất lại là những nước giàu, với nền kinh tế phát triển. Năng lượng sạch được coi là giải pháp then chốt nhằm giảm ô nhiễm không khí ở những quốc gia này.