Như BizLIVE đã đưa tin, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa công bố Báo cáo Tình hình thị trường bất động sản Việt Nam 2019.
Tại báo cáo này, đề cập đến thị trường bất động sản các tỉnh khác ngoài hai "điểm nóng" là Hà Nội và TP.HCM, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2019, tại khu vực Đông Bắc, lượng cung giảm, giao dịch chậm, sản phẩm chủ yếu là đất nền. Phân khúc căn hộ chưa dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ, lẻ bởi nhu cầu sử dụng không cao.
Tại Quảng Ninh, Hải Phòng xuất hiện nhiều thị trường mới đòi hỏi đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông và đô thị rất mạnh. Tại hai địa phương này, do chịu sự kiểm soát chặt chẽ của quản lý nhà nước cho nên mặc dù bùng nổ nhiều dự án mới song thị trường vẫn ổn định, bền vững.
Tại Thanh Hóa, Nghệ An, đây là những tỉnh sôi động nhất cả nước năm 2019. Các dự án đấu giá đất nền có tỉ lệ hấp thụ cao, trên 70%. Tuy nhiên, đến quý IV xuất hiện tăng giá mạnh, làm giảm nhịp thị trường
Đối với thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, giá nhà đất được bình ổn ở mức hợp lý. Tại hai thành phố này, do sự khan hiếm các sản phẩm mới cho nên giao dịch chậm, tỉ lệ hấp thụ khoảng 20-25% mỗi đợt chào bán. Đáng chú ý, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn kho.
Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi những năm gần đây do được đầu tư hạ tầng mạnh cho nên thu hút hàng nghìn nhà đầu tư trên cả nước nhưng do quản lý chưa tốt đã làm bùng nổ giá đất, tạo sốt ảo.
Tại các địa phương này, năm 2019, giá đất đã bình ổn (giảm khoảng 50%) nhưng các nhà đầu tư vẫn đang mong chờ những động thái tích cực hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Tại các khu vực khác như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng… lượng cung và giao dịch cũng có sự sụt giảm mạnh mẽ, tỉ lệ hấp thụ thấp bởi các vấn đề về tín dụng, thanh tra, kiểm tra việc cấp phép phát triển dự án. Đặc biệt, tâm ý e ngại từ khách hàng sau hàng loạt những sai phạm trong quá trình cấp phép đầu tư phát triển dự án…
"Ở một số địa phương giá đất được đẩy lên quá cao, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị đã tạo giá ảo. Hiện tượng này dẫn đến hệ lụy là cơ quan Nhà nước điều chỉnh thuế đất, người dân đòi tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến sụt giảm hoạt động đầu tư phát triển đô thị. Ngoài ra, giá ảo khiến các nhà đầu tư rời khỏi thị trường, làm suy giảm phát triển kinh tế địa phương và thị trường bất động sản", Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo.