Theo Bộ KH&ĐT, từ cuối năm 2019, thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo. Trong đó, đi dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, thiên tai, biến đổi khí hậu, lạm phát diện rộng ở nhiều nền kinh tế lớn,… đang làm thay đổi cục diện thương mại và kinh tế thế giới.
Việc hình thành các mức thuế suất khác biệt để tận dụng lợi thế toàn cầu hóa được nhiều nước thực hiện theo nhiều cách. Trong đó, một số nước hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức rất thấp (Barbados 5,5%, Uzbekistan 7,5%, Hungary 9%, Macedonia 10%, Ireland 12,5%...); các thiên đường thuế đưa ra mức thuế suất 0% (Cayman Islands, Bermuda, Bahamas…).
Bộ KH&ĐT nhận định, nhiều quốc gia, khu vực cũng chịu áp lực từ việc doanh nghiệp đe dọa rút vốn, chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh dẫn đến buộc phải giảm thuế (Hoa Kỳ giảm từ 35% năm 2017 xuống còn 21% năm 2021, khu vực sử dụng đồng Euro - Eurozone giảm từ 36,8% năm 1995 xuống còn 22,7% năm 2020),...
Điều này, khiến thuế suất trung bình của doanh nghiệp trên toàn cầu giảm từ 27% năm 2001 xuống còn 20,2% và năm 2021.
Hơn nữa, việc hạ thuế suất đã trở thành công cụ của các quốc gia trong cuộc cạnh tranh thu hút và giữ chân doanh nghiệp. Nhiều quốc gia tham gia vào "cuộc đua xuống đáy" nhằm giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về mức thấp nhất để thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN).
Bộ KH&ĐT cho rằng, các Tập đoàn đa quốc gia, mặc dù có lợi nhuận cao, nhưng phải nộp thuế TNDN rất thấp, thậm chí không bị đánh thuế. Cùng với đó, tình trạng chuyển giá của các công ty đa quốc gia cũng ngày càng trở nên phức tạp, với các công cụ và biện pháp tinh vi.
Tại Việt Nam, sau thời gian nghiên cứu, Chính phủ đã xây dựng và đề xuất Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế Tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, trình Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua và ban hành Nghị quyết về việc áp dụng Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ thuế toàn cầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Theo Nghị quyết số 107/2023/QH15, Việt Nam sẽ áp dụng các quy định Quy định về thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và Quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).
Bộ KH&ĐT khẳng định, việc xây dựng chính sách về Quỹ hỗ trợ đầu tư để đưa ra các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, phù hợp với quy tắc của OECD là rất cần thiết để Việt Nam có thể đảm bảo vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng ổn định môi trường đầu tư để tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ này, các quốc gia đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đa dạng; áp dụng song song cả ưu đãi về thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về chi phí (hỗ trợ bằng tiền, trợ cấp đầu tư) để kết hợp hiệu quả, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong đó, ưu đãi dựa trên chi phí thường được sử dụng để góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Với chính sách ưu đãi linh hoạt, nhiều nước đã thu hút được các dự án có quy mô rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Bộ KH&ĐT nhận định rằng, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam dù bám sát vào tình hình phát triển đất nước, song chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt với việc ra đời của chính sách Thuế Tối thiểu toàn cầu.
"Trong thời gian vừa qua, có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang quốc gia khác", Bộ KH&ĐT dẫn ví dụ.
Nêu thực trạng, Bộ KH&ĐT cho biết, LG Chemical (Hàn Quốc) đã đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), nhưng không được đáp ứng. Do đó, đơn vị này đã chuyển đầu tư sang Indonesia.
Tương tự, Intel đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền, sau đó đã chuyển sang Ba Lan.
Hay Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo, mặc dù đã vào khảo sát và dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí, số lượng lao động công nghệ cao có sẵn. Do đó, Tập đoàn này đã chuyển sang Malaysia…
Bộ KH&ĐT cảnh báo, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam.
Thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn đã có trao đổi chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Cơ quan này lấy ví dụ như Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ; LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư dự án mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD; SMC (Nhật Bản) đang dự kiến đầu tư sản xuất thiết bị y tế trị giá 500 triệu - 1 tỷ USD tại Đồng Nai; Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan): đang nghiên cứu mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco.
Bộ KH&ĐT khẳng định, trước mắt, cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu; ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn (có thể kéo theo nhiều các công ty vệ tinh đi theo) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Bộ KH&ĐT khẳng định, việc Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác.
Đồng thời, giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, giảm cầu về lao động.
Theo Bộ KH&ĐT, nếu Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Cơ quan này khẳng định, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 107/2023/QH15 về Thuế tối thiểu toàn cầu, với quyền thu thuế thu nhập doanh nghiệp 15% của các tập đoàn xuyên quốc gia tại Việt nam, việc ưu đãi thuế TNDN đang áp dụng tại Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa; dẫn đến Việt Nam sẽ không còn cạnh tranh trong thu hút, giữ chân các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.
Để giữ chân và tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, Bộ KH&ĐT khẳng định cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược mới đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt tiên phong. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm, phương thức chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ cho doanh nghiệp đạt tiêu chí đề ra.