Thời gian qua, tại các tỉnh Tây Nam Bộ, một số đối tượng lợi dụng hình thức góp vốn chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo; hàng loạt vụ vỡ hụi tiền tỷ cũng đã xảy ra.
Nhiều nạn nhân vì chơi hụi mà tán gia, bại sản, ít có khi chỉ vài triệu đồng nhưng nhiều, lên đến tiền tỷ. Chỉ tại Trà Vinh, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 5 vụ vỡ hụi; số tiền chủ hụi chiếm đoạt của các hụi viên lên cả chục tỷ đồng.
Bùi Thị Kim Dung (SN 1981, ngụ ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, TP Trà Vinh) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm 2001, Dung tổ chức đầu thảo (chủ hụi), mở các dây hụi có giá trị từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng để hưởng tiền huê hồng. Đến đầu năm 2019, lợi dụng nhiều hụi viên không tham gia khui hụi đầy đủ, Dung bỏ thăm giá cao để hốt hụi.
Tháng 7/2019, nhiều hụi viên kêu hốt hụi, Dung mất khả năng cân đối, tuyên bố vỡ hụi. Tại thời điểm vỡ hụi còn 41 dây hụi chưa kết thúc được mở từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019.
Trong 41 dây hụi này, cơ quan điều tra chứng minh được 28 dây hụi, Dung có hành vi gian dối để hốt 197 phần, chiếm đoạt trên 6 tỷ đồng. Số tiền này, Dung khai sử dụng tiêu xài cá nhân.
Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định đối với Bùi Thị Kim Dung. |
Qua các vụ án được cơ quan điều tra làm rõ, vỡ hụi xuất phát từ việc chủ hụi có ý chiếm đoạt tiền của hụi viên nên lập ra hụi khống, cũng có trường hợp chủ hụi bị giật hụi nên mất cân đối trong việc chi trả dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội.
Nguyễn Thị Lan Phương (SN 1978, ngụ ấp 8A, xã An Trường, huyện Càng Long) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, năm 2008, Phương đứng ra làm đầu thảo, mở các dây hụi có giá trị từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng để hưởng hoa hồng.
Năm 2013, hai hụi viên hốt hụi và nợ hụi nhưng không đóng tiền. Phương phải vay tiền bên ngoài với lãi suất cao và hốt nhiều phần hụi để choàng lại cho các hụi viên khác.
Đến năm 2014, Phương tiếp tục mở các dây hụi có giá trị từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, sau đó gian dối đặt tên khống các hụi viên để chiếm đoạt. Đến ngày 10/4/2019, Phương tuyên bố vỡ hụi.
Tại thời điểm vỡ hụi còn 33 dây hụi chưa kết thúc được mở trong thời gian từ ngày 11/2/2014 đến ngày 10/4/2019. Cơ quan điều tra xác minh làm rõ 16 dây hụi, Phương có hành vi gian dối chiếm đoạt trên 900 triệu đồng.
Thực tiễn công tác điều tra, xử lý tội phạm trong thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực góp hụi diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang xảy ra hàng loạt vụ vỡ hụi. Ít thì một đến vài tỷ, nhiều lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hàng loạt vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự các chủ hụi có dấu hiệu gian dối, chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ thiệt hại đến hàng tỷ đồng nhưng không thể thu hồi được, điều đó xuất phát từ một số nguyên nhân như: quá trình góp hụi diễn ra trong một thời gian dài, một số hụi viên không đóng tiền hụi cho đầu thảo (chủ hụi), vì vậy đầu thảo vay mượn nhiều nơi để choàng hụi dẫn đến mất cân đối tài chính; đầu thảo không có nghề nghiệp ổn định chỉ dựa vào thu nhập từ việc hưởng hoa lợi; quá trình góp hụi do tin tưởng đầu thảo, hụi viên không mở sổ theo dõi, hụi viên không biết nhau, tạo điều kiện cho đầu thảo tự ý hốt hụi rồi bán hụi, chiếm đoạt tài sản.
Trên thực tế, không phải trường hợp vỡ hụi nào cũng có thể xử lý hình sự. Trước khi tuyên bố vỡ hụi, các chủ hụi âm thầm tẩu tán tài sản bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản sang cho người khác.
Chủ hụi thừa nhận nợ, không bỏ trốn khỏi địa phương, cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc bể hụi sau đó được giải quyết bằng vụ án tranh chấp dân sự. Tuy nhiên sau khi có quyết định hòa giải thành của toà án, các hụi viên yêu cầu thi hành án thì chủ hụi tuyên bố không có tài sản.
Điển hình trường hợp của bà Nguyễn Thị Tích Ngân (SN 1971, ngụ xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Nhiều người dân tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và huyện Lấp Vò có đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong thời gian chơi hụi, họ phát hiện bà Ngân có hành vi tổ chức hụi khống, chiếm đoạt số tiền lớn, sau đó tuyên bố vỡ hụi. Công an huyện Lấp Vò vào cuộc xác minh, khởi tố vụ án và chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người dân, khi tham gia chơi hụi, cần thực hiện các biện pháp sau: Đầu thảo và hụi viên phải lập sổ theo dõi ghi đầy đủ thông tin cá nhân của đầu thảo và hụi viên tham gia trong từng dây hụi, hụi viên tham gia góp hụi phải giữ sổ hụi và phải biết mặt nhau, đồng thời là phải thực hiện việc khui hụi đầy đủ.
Khi tham gia góp hụi, hụi viên chọn những đầu thảo có uy tín, có điều kiện kinh tế ổn định, có tài sản đảm bảo và thường xuyên giám sát chặt chẽ đối với đầu thảo để kịp thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn, khi tham gia góp hụi hạn chế tham gia quá nhiều phần hụi cùng một đầu thảo.
Khi có vụ việc vỡ hụi, người dân báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
(Theo Công an nhân dân)