Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm có nhiều điểm mới, trong đó bổ sung thêm các quy định về quyền hạn trong quản lý, giám sát khẩn cấp.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành ra đời đã cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ. Giờ đây, nhiều vấn đề mới trong lĩnh vực bảo hiểm đã xuất hiện, đòi hỏi phải có sự thay đổi.
Theo Bộ Tài chính, việc kinh doanh bảo hiểm vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau);
Ngoài ra, có tình trạng phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm, trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có thể có hợp đồng bảo hiểm được giao kết với phí bảo hiểm thấp hơn rủi ro nhận bảo hiểm do hạ phí để cạnh tranh lấy khách hàng; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có thể có sản phẩm bảo hiểm có phí bảo hiểm cao hơn do phần chi phí cho kênh phân phối cao hơn chi phí rủi ro bảo hiểm,..
Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm,...
Một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do vốn còn nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu, khả năng kiểm soát rủi ro của một số doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế; chất lượng cán bộ chưa theo kịp và chưa đáp ứng với sự phát triển của thị trường.
Bộ Tài chính cho rằng: Những bất cập trên dẫn đến thị trường bảo hiểm Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài khi phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới hay nhận bảo hiểm cho các công trình, tài sản lớn. Điều này sẽ dẫn đến các hệ lụy lâu dài về rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tính độc lập, chủ quyền của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Dự thảo Luật Bảo hiểm có nhiều điểm mới, trong đó bổ sung thêm các quy định về quyền hạn trong quản lý, giám sát khẩn cấp. Theo đó, dự thảo bổ sung các quyền hạn như: Bộ Tài chính có quyền yêu cầu các cổ đông, thành viên góp vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan trong thời hạn nhất định; nếu cổ đông, thành viên góp vốn có giao dịch gây thiệt hại nghiêm trọng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu khắc phục.
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, giám sát, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu người quản trị, điều hành, cán bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm giải thích các vấn đề có liên quan trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Dự thảo cũng bổ sung các biện pháp trong trường hợp khẩn cấp (kiểm tra, thanh tra, tiếp cận hồ sơ, làm việc với các cơ quan có liên quan, sao chép các tài liệu, tìm hiểu thông tin về tài khoản, yêu cầu phong tỏa).
Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện nay, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ. |
L.Bằng