Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra một số nội dung lưu ý người tiêu dùng khi ký hợp đồng vay tiêu dùng, thời gian vừa qua Cục này đã nhận được nhiều phản ánh, tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.
Cụ thể, quá trình tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, thực hiện nhiều thủ thuật nhằm che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng, bao gồm thông tin về lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng…
Không thực hiện thẩm định thông tin của người tiêu dùng, người tiêu dùng chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay.
Không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng nghiên cứu, tạo tâm lý để người tiêu dùng ký hợp đồng khi chưa nắm rõ các nội dung, không cung cấp hợp đồng đã ký để người tiêu dùng lưu giữ và theo dõi.
Thực hiện hành vi nhắc nợ, đòi nợ ảnh hưởng tới uy tín của người tiêu dùng, người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng.
Theo Cục Cạnh tranh, những hành vi nêu trên đang ảnh hưởng tới tài sản, danh dự, sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng không có khả năng tài chính để trả nợ do kỳ hạn vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn người tiêu dùng được thông báo trong quá trình nhân viên tư vấn, dẫn đến, số tiền trả nợ tăng lên nhiều lần hoặc do mức lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần so với thông tin người tiêu dùng được thông báo trong quá trình tư vấn”, Cục Cạnh tranh cho hay.
Cụ thể, lãi suất thể hiện trên hợp đồng đều từ 3-5%/tháng (trong khi theo nhân viên tư vấn thông báo thì lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng) hoặc xuất hiện các khoản phạt mà trước đó người tiêu dùng không được thông báo, dẫn tới phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng.
Thậm chí, khi không có khả năng chi trả theo đúng quy định trong hợp đồng, người tiêu dùng liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ. Nhiều trường hợp đòi nợ có dấu hiệu đe dọa, khủng bố, liên hệ tới đồng nghiệp, người thân của người tiêu dùng để đòi nợ.
“Một số trường hợp người tiêu dùng đã phải chuyển nhà, tắt điện thoại để tránh nguy cơ bị đe dọa từ hoạt động thu hồi nợ. Một số trường hợp người tiêu dùng, mặc dù đã nhiều lần liên hệ tới đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính để đề nghị giải pháp cơ cấu lại khoản nợ nhưng vẫn liên tục bị gọi điện đe dọa thu hồi nợ, không được tạo điều kiện để hai bên thống nhất, giải quyết vụ việc”, Cục Cạnh tranh dẫn chứng.
Cục Cạnh tranh cho rằng, những hệ lụy nêu trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính mà còn đe dọa tới sự phát triển chung của ngành tài chính Việt Nam.