Loạn giá, mù mờ nguồn gốc
Cuối năm 2017, một số bạn đọc ở TP.Vinh (Nghệ An) phản ánh: “Dạo này người ta lại rao bán giò me “đểu” tràn lan trên mạng. Giá cả bát nháo, nguồn gốc không rõ. Họ tuồn hàng tấn đi khắp nơi mỗi ngày”. Chúng tôi vào Facebook, gõ từ khóa “Giò me xứ Nghệ” hay “Giò me Nam Nghĩa”, cho ra hàng chục tài khoản rao bán loại đặc sản này. Tài khoản KA cho biết, bán giò me giá lẻ 180 nghìn đồng/kg, nhưng mua sỉ từ 10kg, giá rẻ bất ngờ, chỉ còn 135 nghìn đồng/kg. Người này cho hay, giò có nhãn mác, chụp hình thấy ghi cơ sở ĐT (không rõ địa chỉ). KA cho biết thêm, chỉ cần báo địa chỉ là sẽ có người đưa tận nơi, số lượng không hạn chế.
Còn chủ tài khoản HH, bán giá sỉ 150 nghìn đồng/kg, lẻ 180 nghìn đồng/kg, thì “nổ”: “Giò me nhà em Nam Đàn anh nha. Em bán 2 năm rồi. Chất lượng em bán khách có phản hồi trong album cả đó anh, đồ ăn không ngon mất khách như chơi”. Nhưng khi được hỏi địa chỉ cơ sở, HH từ chối với lý do “bí mật mối làm ăn”. Hỏi nhãn mác, HH hồn nhiên phản hồi: “Nhãn mác đơn giản mà anh, làm dán cái ok. Quan trọng chất lượng thôi”. Chúng tôi lấy cớ hàng không nhãn mác, khách họ không mua, để từ chối. Một người bán giò me khác, tên NXC, cung cấp cho chúng tôi 1 địa chỉ sản xuất giò me Nam Nghĩa (Nghệ An) tại... thị trấn Phố Châu, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhưng khi chúng tôi đến tận nơi kiểm chứng thì người dân xung quanh cho biết, hộ nói trên không sản xuất giò me.
Tài khoản H.N.A cho biết, giò me ổ 0,5 kg giá 120 nghìn đồng, 240 nghìn đồng/kg, không bán sỉ. Chủ tài khoản khẳng định, giò có nguồn gốc, chất lượng bảo đảm, nhưng không tiết lộ địa chỉ cơ sở và khi được hỏi có nhãn mác không, thì được biết là… “không có anh ạ”. Chúng tôi chọn 1 địa chỉ bán hàng trên FB, gửi địa chỉ và số điện thoại, đặt mua 0,5kg, sau khoảng 30 phút đã có người đi xe máy đến giao hàng. Hỏi người này giò lấy từ đâu, anh ta không trả lời. Ổ giò không có nhãn mác, bên ngoài bọc giấy xi măng, bên trong bọc nilon, cắt ra thấy thịt xay nhuyễn, bề ngoài có lớp keo da, hình thức bắt mắt, nhưng chúng tôi không dám ăn.
Đến tận cơ sở để mua giò me “xịn”
Chị Lê Hà (quê Nghệ An, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: “Trước, vào dịp Tết hay có dịp về quê, em đều mua dăm cân giò me để ăn và biếu người thân, giá khoảng 180-200 nghìn đồng/kg mua lẻ. Về ăn thì cũng thấy ngon miệng chứ không biết gì cả. Nhưng vừa qua đọc báo cho biết loại giò không có nhãn mác, không rõ xuất xứ và tầm giá đó là giò làm bằng thịt lợn trộn hương liệu, em mới tá hỏa nhận ra lâu nay mình mua phải giò “đểu”. Nên nay chẳng dám mua nữa”.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), nơi nổi tiếng về đặc sản từ thịt bê - nói: “Ở Nam Nghĩa này mới có 2 cơ sở sản xuất giò me, có chứng nhận của cơ quan chức năng, có nhãn mác. Giò me “xịn”, cắt ra có miếng thịt và miếng da còn dính, ăn vào hương vị biết liền. Còn thứ giò mà thịt đã xay nhuyễn ra, họ rao bán trên thị trường, chẳng biết thế nào”. Về giá cả, chị Hường, chủ cơ sở sản xuất giò me Châu Hường - Nam Nghĩa cho biết: “Giá dao động theo giá thịt me, nhưng không thể rẻ hơn giá thịt me tươi được. Bây giờ, lấy tại đây, giá 170 nghìn đồng/kg (tương đương giá thịt me), chuyển đi xa thì đắt hơn. Rẻ hơn nữa thì chỉ có giò làm bằng thịt lợn, giá 130-140 nghìn đồng/kg”. Nhiều người thích giò me cẩn thận đến tận nơi, hoặc nhờ người quen mua.
Tuy nhiên, tại 1 cơ sở sản xuất giò me khác, cũng ở xã Nam Nghĩa, khi chúng tôi đóng vai người buôn giò, được người phụ trách cho biết, bán sỉ 150 nghìn đồng/kg (tuần trước là 140 nghìn đồng), bao chi phí gửi xe đến TP.Vinh, cam đoan là giò bằng thịt me 100%, ăn vào “nghiện” luôn” (?).
Vào tháng 7.2017, chúng tôi đã có bài viết phản ánh tình trạng nhiều cơ sở sản xuất giò chả ở Nghệ An, quảng cáo là “đặc sản giò bê” xứ Nghệ, nhưng được làm bằng 100% thịt lợn, phối trộn hương liệu để đánh lừa người tiêu dùng, không có nhãn mác, xuất xứ. Giá mua tại gốc chỉ 120-140 nghìn đồng/kg, nhưng bán ra thị trường đến 200-250 nghìn đồng/kg. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc, xác nhận bài báo phản ánh đúng, một số cơ sở sản xuất tại xã Nghi Phú và phường Quán Bàu (TP.Vinh) đã thừa nhận có “trộn thịt lợn vào giò bê”, đã có biện pháp xử lý một số cơ sở sản xuất giò chả không có nhãn mác.
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An - cho hay: Chúng tôi vừa tổ chức đoàn kiểm tra khoảng 10 cơ sở sản xuất giò chả, giò me tại TP.Vinh, huyện Nam Đàn. Kết quả cho thấy, một số cơ sở chưa có nhãn mác theo quy định. Đây là điều các tư thương có thể lợi dụng để đánh lừa người tiêu dùng. Ông Hà cho biết, có thể tư thương lợi dụng hàng hóa không có nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng, và cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chủ yếu đang vận động, hướng dẫn, chưa có cơ sở sản xuất giò chả nào bị xử phạt vì hành vi không có nhãn hàng hóa theo quy định. Ông Hà cũng thông tin, nếu giá giò me thấp hơn giá thịt me tươi, có thể có hiện tượng trà trộn thịt lợn vào, mới rẻ như thế.