Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có gần 240 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Nhiều dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, từ vi phạm hình sự cho đến vi phạm về dân sự, hành chính.
Một số cơ sở cầm đồ sai phạm về thủ tục kinh doanh, cơ sở kinh doanh, chỉ công khai 1 địa chỉ kinh doanh nhưng lại có nhiều địa chỉ khác để cất giữ tài sản cầm cố bất hợp pháp.
Nhiều dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau. (Ảnh minh họa: KT)
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các đối tượng tín dụng đen rất dễ lợi dụng qua hình thức kinh doanh dịch vụ cầm đồ để hoạt động. Một số cơ sở có hiện tượng tiêu thụ tài sản của kẻ gian hoặc tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật về quan hệ sở hữu. Đến nay, lực lượng công an đã xử lý khoảng 70 trường hợp và xử phạt tiền khoảng 210 trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh cầm đồ.
“Trên địa bàn hiện có trên 20 nhóm hoạt động tín dụng đen với khoảng 140 đối tượng, trong đó phần lớn là đối tượng ngoại tỉnh. Tuy nhiên, công an tỉnh chưa phát hiện ra và chưa phải xử lý vụ việc nào bằng tội danh vi phạm trong cho vay lãi suất cao trong giao dịch dân sự”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn cho biết.