Tôi là Đỗ Hữu Quyết, CEO tại Công ty Cổ phần Maxdream, tiến sĩ ở Đại học Florida. Tuy nhiên, tôi không còn hứng thú với môi trường yên bình ở Mỹ. Năm 2016, mang theo nghiên cứu về công nghệ CDI, công nghệ khử ion hòa tan trong nước bằng cách áp dụng một điện áp trên hai điện cực, tôi về Việt Nam với quyết tâm khắc phục vấn đề của đất nước, đặc biệt là hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Từ công nghệ mới, tôi nghĩ rằng nếu đã lọc được mặn ở ĐBSCL thì sẽ lọc được nước ở khu vực khác một cách dễ dàng. Bạn bè tôi nghe được câu chuyện và đề nghị rằng sẽ góp vốn, còn tôi thì góp công nghệ vào để cùng thành lập công ty. Chúng tôi đã chi 2 triệu USD cho quá trình nghiên cứu công nghệ lõi lọc CDI.
Lúc đầu, tôi gặp khó khăn vì không có doanh thu. Khách hàng nghe đến sản phẩm “Made in Việt Nam” thì gọi điện hỏi mua nhiều lắm. Nhưng chúng tôi gần như chỉ bán được khoảng 1-2 máy. Giá sản phẩm lúc ấy tận 15 triệu, tương đương với các hãng lớn. Người dân cũng chưa nhìn nhận rõ chất lượng của công nghệ CDI, nên việc buôn bán không hiệu quả.
Vì vậy, ngoài việc truyền thông cho mọi người hiểu CDI là gì, tôi phải cải tiến sản phẩm sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, nhưng hiệu quả đạt mức cao nhất có thể. Đây là lợi thế của nhà khoa học đi làm kinh doanh, có thể chủ động nghiên cứu vấn đề mà không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài. Bên cạnh đó, tôi phải học từ đầu nhiều kiến thức về kinh doanh. Công việc ập đến bất ngờ, khiến tôi “thở không ra hơi".
Tôi mất 1 năm để đưa giá bán từ 15 triệu đồng xuống còn 8-9 triệu đồng, chi phí sản xuất giảm từ 50 xuống còn 4 triệu đồng. Chúng tôi cải tiến module (bộ lọc) và nguồn điện. Công nghệ lõi do tôi tự nghiên cứu, phụ kiện sử dụng hầu hết được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam nên chi phí thấp, có thể cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm mới có ưu điểm lọc chất độc một cách chọn lọc, điều chỉnh được vị đậm nhạt của nước, cải thiện các khuyết điểm về chi phí bảo trì, nguồn điện… của công nghệ cũ.
Tôi chọn cách tiếp cận phân khúc cao trước để mọi người nhìn nhận rằng đây là sản phẩm có chất lượng tốt, sau đó mới về lại phân khúc bình dân. Giai đoạn ấy, nếu khách hàng yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng, tôi cũng xách đồ nghề đến tận nơi và sẵn sàng thu hồi, đền bù nếu sản phẩm mắc lỗi. Ngoài ra, dựa trên nguồn nước của từng khu vực, hay yêu cầu riêng của khách hàng mà chúng tôi sẽ thay đổi thiết kế máy lọc cho phù hợp.
Tôi dành thời gian đến các buổi hội thảo, hội chợ… để giới thiệu sản phẩm máy lọc nước sử dụng công nghệ mới. Tôi không phát triển sản phẩm một cách tự nhiên, mà phải biết được nó mang đến những giá trị hữu ích, đặc biệt là “3 khoẻ - 4 xanh”.
Nguồn nước “3 khỏe” đáp ứng đủ 99 chỉ tiêu của Bộ Y tế, giữ lại đủ 21 loại vi dưỡng chất trong nước và có thể điều chỉnh vị ngon của nước theo nhu cầu mà không cần chất tạo vị hay chất bảo quản. Công nghệ lọc này so với các công nghệ lọc truyền thống giúp tiết kiệm khoảng 7-10 lần lượng nước thải, tiết kiệm 3 lần lõi lọc, 3 lần lượng điện tiêu thụ, cũng không dùng hóa chất để tẩy rửa. Đó chính là "4 xanh".
Tính đến nay, hơn 1.000 máy lọc nước đã được bán và hàng nghìn bộ lọc có mặt trên toàn quốc. Chúng tôi vừa hoàn thành 40 đơn hàng vào giữa tháng 2, giờ đang chuẩn bị cho loạt đơn mới. Trong tương lai, tôi dự định mở rộng thành nhà máy, có dây chuyền sản xuất nhằm tối ưu thời gian cho các công đoạn lắp ráp thủ công.
Hiện chúng tôi vẫn chưa đến giai đoạn hoàn vốn, nhưng nhờ vào sự cố gắng của mọi người, việc vận hành công ty, phân phối sản phẩm vẫn diễn ra trơn tru, hiệu quả. Mỗi sáng, tôi nhắn tin bàn giao công việc cho nhân viên, rồi lại “trốn” vào quán cà phê gần công ty, hay một căn phòng bí mật để có không gian yên tĩnh cho việc nghiên cứu. Tôi đang cập nhật tài liệu về công nghệ CDI, các tiêu chuẩn về nguồn nước của Mỹ và WHO.
Về nhà, tôi gác lại công việc, tận hưởng thời gian dành cho gia đình. Tôi nhận nhiệm vụ đưa đón con con gái đi học. Sau giờ tan trường, tôi hay đưa bé dạo chơi ở những công viên gần nhà.
Trong nhà, tôi cũng đặt hai máy lọc mà mình sáng chế, đời đầu tiên và đời mới nhất. Ở thiết kế đầu tiên, tôi chỉ dùng dây, bình chuyền máu để đưa nước muối vào bộ lọc. Khi nghiên cứu thành công, tôi hình dung rằng nếu thương mại hoá, máy lọc nước sẽ có thiết kế đẹp như sản phẩm bây giờ được bày bán tại showroom. Trong ảnh, chiếc màu trắng là máy đời đầu và chiếc màu đen là đời mới nhất.
Đây là hồ cá của bạn nhỏ nhà tôi. Hằng ngày, chúng tôi thay nước cho hồ bằng chính nước của máy lọc công nghệ CDI. Nước máy được lọc qua CDI sẽ giúp loại bỏ clo dư và các phụ phẩm độc hại, các hóa chất xử lý nước. Các tế bào da và mang cá sẽ không bị tấn công, giúp chúng không bị ngạt. Đồng thời, lượng vi khoáng thiết yếu được giữ lại giúp cá sinh trưởng bình thường như trong môi trường tự nhiên.
Tôi tranh thủ giải trí bằng vài trận game. Thói quen này đã theo tôi từ lúc còn là sinh viên Đại học Bách khoa cho đến lúc trở thành CEO của một công ty. Tôi có sở thích chơi đi chơi lại một màn, thường là đấu với máy để tìm ra quy luật của nó.
Tôi thấy mình làm khoa học như một nghệ sĩ. Mỗi khi gặp phải những vấn đề khó, tôi thường đi bộ “thơ thẩn” dọc bờ sông để giải thoát mình khỏi những suy nghĩ cứ liên tục ập đến. Nghiên cứu với tôi là một công việc đầy lao lực, vì phải chấp nhận đánh đổi tuổi trẻ, thời gian, sự tự do.
Sau hơn 2 năm thành lập Maxdream, tôi vui mừng vì được chuyên gia nước ngoài như Đức, Phần Lan đánh giá cao và mua lại sản phẩm để nghiên cứu. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, công ty có thể đạt được sản lượng lớn, tiến đến quy mô công nghiệp. Và khi đất nước đã làm chủ được công nghệ, nhân sự, tôi cũng mong muốn mang công nghệ CDI của mình vào các nhà máy nước, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý, cũng như là sức khoẻ của người dân Việt Nam.