Chứng khoán MBS vừa có báo cáo triển vọng Việt Năm năm 2020. Trong đó, MBS nhận định tín dụng bán lẻ ngành ngân hàng sẽ chậm lại do đang được khai thác triệt để nhờ cấu trúc dân số vàng Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam có sự thu hẹp trong 2 năm qua, tuy nhiên cấu trúc dân số vẫn còn khá trẻ và sẽ tạo dư địa tăng trưởng cho chi tiêu trong dân chúng. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu cá nhân của Việt Nam đang ở ngưỡng cao nhất trong khu vực là 6,4%.
Cạnh tranh trong tín dụng bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt. Người tiêu dùng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhanh hơn các nước trong khu vực có mức thu nhập tương đồng. Tăng trưởng tín dụng bán lẻ đang dần giảm tốc do kinh tế vĩ mô phát triển bớt nóng hơn cũng như chính sách siết dần của NHNN đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Vietcombank và MBB đang thể hiện là hai ngân hàng tăng cường thị phần cho vay bán lẻ tích cực nhất.
Nhận xét về tăng trưởng tín dụng chung, MBS nhận định tín dụng năm 2020 sẽ tăng trưởng yếu ở các ngân hàng quốc doanh nhưng mạnh hơn ở các ngân hàng tư nhân.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng 2019 mới tăng 9,4% so với đầu năm 2019, sự tăng trưởng chậm lại do thị trường BĐS có xu hướng hạ nhiệt và 2 ngân hàng quốc doanh BIDV và VietinBank giảm tăng trưởng cho vay để tái cấu trúc.
Các ngân hàng tư nhân có sự tăng trưởng tín dụng trên hai con số, đặc biệt là Techcombank và VIB với tỷ lệ gần 30%. Các ngân hàng đáp ứng yêu cầu về vốn của thông tư 41, bao gồm nhiều ngân hàng tư nhân và Vietcombank, sẽ tiếp tục được hưởng dư địa tăng trưởng mạnh.
Chưa kể, chính sách mới hạn chế tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng quốc doanh đi vào hiệu lực. Cụ thể, theo thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của các ngân hàng sẽ điều chỉnh về mức 85% cho toàn hệ thống, so với 90% của NH quốc doanh và 80% với ngân hàng tư nhân.
Trong các ngân hàng quốc doanh chỉ Vietcombank còn dư địa đáng kể để tăng trưởng tín dụng với LDR là 77%. BIDV sau khi chào bán vốn cho KEB Hana Bank cũng sẽ có dư địa để tăng tỷ lệ đòn bẩy. VietinBank có LDR rất cao và sẽ đối mặt với rủi ro hạn chế tăng trưởng trong các năm tới.
Trong các ngân hàng tư nhân, chỉ VIB và HDBank còn nhiều dư địa tăng trưởng; MBBank, ACB và Techcombank gần như đã chạm giới hạn sẽ có mức tăng khiêm tốn hơn.