Thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam dự kiến sẽ đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép là 24%/năm tính từ năm 2022. Sau đại dịch Covid-19, thị trường càng phát triển nhanh hơn do thương mại điện tử bùng nổ, hoạt động thương mại xuyên biên giới được khôi phục và các dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn của các công ty chuyển phát nhanh.
Sự xuất hiện nhiều đơn vị chuyển phát có tiềm lực trong và ngoài nước như Viettel Post, Giao hàng nhanh (GHN), BEST Express Việt Nam (BEST Inc.), Giao hàng tiết kiệm (GHTK), J&T Express, Kerry Express, Nasco Logistics JSC, Nhất Tín Logistics, Tiếp vận Nin Sing (Ninja Van), Swift247,... đã đẩy cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên ngày càng gay gắt. Biên lãi gộp của các doanh nghiệp ngày càng mỏng do cuộc đua giảm giá dịch vụ tốn kém để giành thị phần.
Trong bối cảnh đó, một doanh nghiệp với thị phần nhỏ lại gây bất ngờ với biên lãi gộp “dày cộp” là Chuyển phát nhanh Bưu Điện (VNPost Express, mã EMS) . Trong quý 4/2022, EMS ghi nhận doanh thu thuần đạt 588,6 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm tương ứng khiến biên lãi gộp đi ngang so với cùng kỳ ở mức 20,2%. Dù vậy, con số này đã cải thiện rõ rệt so với quý trước và là mức nhiều "ông lớn" thèm muốn.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu sụt giảm là do mức độ cạnh tranh về giá trên thị trường ngày càng cao trong khi khách hàng thiếu hụt nguồn cung khiến tốc độ tăng sản lượng bị chững lại. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp tối ưu hóa hoạt động, cắt giảm chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 4 của EMS đã tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ, đạt gần 39 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều quý.
Lũy kế cả năm 2022, EMS ghi nhận doanh thu đạt 2.236 tỷ đồng, giảm 10,4% tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại tăng 5,9% so với cùng kỳ, lên 89,5 tỷ đồng và vừa kịp hoàn thành kế hoạch đề ra. Lãi ròng sau thuế lập kỷ lục 71,3 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.397 đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
EMS là công ty con của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) – doanh nghiệp lớn nhất ngành với hệ thống hơn 13.000 điểm trải rộng toàn quốc bao gồm các bưu cục, bưu điện, kiốt và thùng thư công cộng. Hệ sinh thái “khổng lồ” của công ty mẹ là một lợi thế rõ rệt giúp EMS có thể chủ động trong bài toán tối ưu chi phí hoạt động.
Trong năm 2023, việc Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định đối với logistic trong nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Mặt khác, sức mua của người tiêu dùng suy yếu trong môi trường lạm phát cao dẫn đến nhu cầu chi tiêu giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu logistic. Ngoài ra, giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao do căng thẳng địa chính trị vẫn chưa được giải quyết triệt để, sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển phát gặp khó trong bài toán cân đối chí phí.