Nước chủ nhà Papua New Guinea lâu nay nhận được khoản đầu tư đáng kể từ Trung Quốc để xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng.
Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Papua New Guinea, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam đoan "đóng góp thêm vào sự phát triển chung của chúng ta", cũng như "mở rộng sự hợp tác thực tế với các quốc đảo ở Thái Bình Dương về thương mại và đầu tư". Một số chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị là cơ hội để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng.
Công tác chuẩn bị cho APEC tại Papua New Guinea được chuẩn bị từ sớm. Ảnh: apec.org
Bất chấp những nhận định trên, Washington đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi "đường lối ngoại giao bẫy nợ nguy hiểm tại khu vực". Theo báo South China Morning Post, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong ngày 17-11 dự kiến nêu chi tiết về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
BRI ra đời năm 2013 nhằm cải thiện các liên kết thương mại và giao thông giữa Trung Quốc và thế giới. Dù vậy, Bắc Kinh đang đối mặt cáo buộc sử dụng BRI để đẩy một số nước lâm vào cảnh nợ nần, khiến họ phụ thuộc vào nền kinh tế số 2 thế giới. Trong năm nay, một số quốc gia đã hủy bỏ hoặc chỉnh sửa các hợp đồng với Trung Quốc sau khi nhận thấy các dự án quá tốn kém hoặc không cần thiết.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết bài phát biểu của ông Pence sẽ phác thảo cách thức "các công ty Mỹ đến khu vực để tạo công ăn việc làm và mang lại sự thịnh vượng", tương phản với "ngoại giao bẫy nợ" mà Trung Quốc đang thực hiện tại khu vực.
"Chúng tôi cũng sẽ giải thích những lợi ích của thị trường tự do và cách APEC đề ra những quy định về hội nhập kinh tế tốt hơn ở khu vực" - một quan chức Mỹ khác nói với kênh 9News (Úc). Theo Washington, điểm khác biệt chính giữa các dự án của Mỹ và BRI là những biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm chúng có lợi cho các cộng đồng địa phương và khả thi về kinh tế.