“Vườn đá” nằm trên một gò đồi thấp, diện tích tương đối bằng phẳng xen giữa khu dân cư. Trước mắt du khách hiện ra những chỏm đá vôi nhọn cao trên 20 m, rộng trên 10 m.
Ở đây, có những khối đá vôi được rửa lũa, ăn mòn một cách đặc biệt. Có những chỏm đá vút lên như ngọn chông, có những khối đá liên kết với nhau như hình khủng long với những gai nhọn, một số khối đá hình “mặt khỉ”.
Những hình thù độc đáo của thiên nhiên tại “vườn đá” Hoàng Tung ( xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).
Ở một số chỗ, nhiều hòn đá mồ côi có hình con rùa, con thú làm du khách liên tưởng đến thuở hồng hoang. Mặt đá nhẵn màu xám rêu phong hoặc xù xì lỗ chỗ do phong hóa. Phủ lên trên là màu nâu đỏ của trầm tích lục nguyên và phun trào trẻ hơn của hệ tầng Sông Hiến.
"Vườn đá” Hoàng Tung phản ánh một giai đoạn trong lịch sử phát triển địa chất lâu dài của khu vực, không chỉ có giá trị cảnh quan mà còn có giá trị về mặt khoa học. Tách giãn lục địa tạo rift nội lục xảy ra trong kỷ Trias, cách ngày nay khoảng 250 triệu năm, làm xuất hiện nhiều núi lửa ngầm dưới biển và lắng đọng trầm tích, hình thành nên các đá lục nguyên - núi lửa phủ lên trên đá vôi cổ hơn.
Kỳ thú “vườn đá” Hoàng Tung, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Các đá trầm tích - núi lửa này là cơ sở để các nhà khoa học khẳng định về sự tồn tại của rift nội lục kể trên. Các quá trình phong hóa, hòa tan, rửa lũa, xâm thực, bóc mòn... trong điều kiện lục địa cách ngày nay khoảng 5 triệu năm đã bóc đi một phần tầng đá phía trên trong khi nước ngấm từ trên mặt đất xuống dưới theo các khe nứt trong đá vôi bị dập vỡ mạnh tạo nên những cột đá như ngày nay.
Đứng ở vườn đá, du khách sẽ thấy cả khu vực được bao quanh bởi những dãy đồi đất, núi đá vôi, khiến tâm hồn như hòa cùng thiên nhiên. Những nét độc đáo của “vườn đá” không chỉ có giá trị về cảnh quan mà còn có ý nghĩa khoa học, cùng với khí hậu mát mẻ đã trở thành một trong những điểm du lịch ấn tượng cho du khách khi tới tham quan.