CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR) vừa gây bất ngờ khi hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2019 với tổng doanh thu khoảng 2.192 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 1.246 tỷ đồng.
Đây là kế hoạch khá bất ngờ khi tổng doanh thu năm 2018 của công ty đạt 1.561 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với năm 2017 còn lợi nhuận trước thuế đạt gần 760 tỷ đồng, bằng 61% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2019. Đây cũng là kế hoạch bất ngờ bởi trước đến nay Cao Su Phước Hòa đều báo lãi dưới nghìn tỷ đồng.
Về sản xuất, năm 2019 sản lượng cao su sản xuất ước đạt 11.700 tấn và sản lượng cao su thu mua ước khoảng 12.500 tấn, ngoài ra còn khoảng 1.000 tấn thành phẩm thu mua từ công ty con. Sản lượng tiêu thụ cả năm ước khoảng 27.268 tấn với mức giá bán bình quân 33,45 triệu đồng/tấn.
Trong bảng kế hoạch của công ty, sản lượng cao su khai thác năm 2019 dự kiến giảm khoảng 11% so với năm 2018. Sản lượng cao su thu mua cũng ước giảm 37%. Sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 17% so với năm trước. Chỉ dự báo giá cao su giao bán bình quân tăng khoảng 1,5% so với năm 2018.
Đáng chú ý, kế hoạch của Cao su Phước Hòa đặt ra khi công ty phân tích tình hình thị trường cao su thiên nhiên năm 2019 sẽ biến động theo xu hướng chung của hàng hóa và cổ phiếu do e ngại về chiến tranh thương mại. Giá cao su thiên nhiên vẫn dự báo ở mức thấp sau khi giảm 20% trong năm 2018. Đồng thời, tình hình thời tiết thất thường, diễn biến bệnh trên cây phức tạp cũng đã được lãnh đạo công ty tính đến.
Một trong những biện pháp thực hiện năm 2019 là công ty sẽ cạo tận thu tối đa vườn cây thanh lý trồng tái canh, nhất là vườn cây chuẩn bị thanh lý phục vụ tái canh năm 2020. Riêng trong năm 2018 vừa qua Cao su Phước Hòa đã ghi nhận hơn 425 tỷ đồng từ thanh lý cây cao su.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến Cao su Phước Hòa kỳ vọng lãi lớn hơn 1.200 tỷ đồng năm 2019 là do kỳ vọng thoái vốn tại KCN Nam Tân Uyên (NTC). Phước Hòa hiện sở hữu 32,85% cổ phần NTC tương đương 5,26 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch, Phước Hòa sẽ thoái hết vốn trong năm 2019 và hiện đang trong quá trình chờ văn bản của Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG). Tổng giá trị đầu tư vào Nam Tân Uyên được ghi nhận đến 31/12/2018 là hơn 53 tỷ đồng, trong khi tạm tính theo thị giá hiện nay của cổ phiếu NTC (118.000 đồng/cổ phiếu), thì Cao su Phước Hòa thu về 620 tỷ đồng, tương ứng giá trị chênh lệch khoảng 560 tỷ đồng.
Ngoài ra Cao su Phước Hòa còn dự tính giao đất NTC (355ha) và VSIP (691ha) cũng dự kiến thu về khoảng 200 tỷ đồng tiền đền bù.