Theo tin từ Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2020, Cao su Phước Hòa (PHR) khai thác được 11.500 tấn mủ quy khô (đạt 100% kế hoạch năm); sản lượng thu mua 20.000 tấn mủ quy khô. Công ty mẹ đạt tổng doanh thu 2.244 tỷ đồng (91,26% KH năm); lợi nhuận trước thuế 1.149 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Phước Hòa tập trung đầu tư cho các dự án tại công ty con như chăm sóc, khai thác và chế biến cao su tại Campuchia, một số dự án Công ty tham gia góp vốn đã phát huy đạt hiệu quả, thu được lợi nhuận và cổ tức như Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên, Công ty cổ phần KCN Tân Bình.
Năm 2021, Phước Hòa dự kiến sản lượng cao su khai thác 9.600 tấn, cao su thu mua 12.000 tấn; sản lượng cao su chế biến nhập kho 21.600 tấn; sản lượng cao su tiêu thụ 33.999 tấn.
Phước Hòa đặt kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ năm 2021 đạt 1.921 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, nộp ngân sách 234 tỷ đồng. So với thực hiện trong năm 2020, kế hoạch lợi nhuận công ty mẹ Phước Hòa năm 2021 giảm gần 35%.
Phước Hòa đã đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Cao su và tỉnh Bình Dương chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Từ đó tạo ra doanh thu, lợi nhuận và cổ tức cao cho cổ đông, trong đó có Nhà nước.
Về đề xuất được làm chủ đầu tư trên các diện tích đất trồng cao su chuyển đổi sang làm khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, vấn đề này đã được đề cập trong Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Cao su sau cổ phần hóa để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt theo quy định. Ủy ban ghi nhận và ủng hộ các đề xuất của Tập đoàn Cao su và các đơn vị thành viên trên cơ sở đúng theo quy định của pháp luật nhằm phát huy tối đa tiềm năng và nội lực sẵn có của đơn vị.