Đất vàng vẫn nằm trên giấy
Theo bản công bố thông tin thoái vốn nhà nước doTập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) quản lý tại SRC, đơn vị đang có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn. Đơn cử như 2.475m2 tại Huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng và 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn, Hà Nam; SRC sở hữu 31.643,7m2 tại TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình; 84.735m2 tại 3 khu vực thuộc TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc; 2.698,8m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Nhưng đáng chú ý nhất là khu đất vàng có diện tích 6,2ha trải dài 250m mặt tiền đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo Bản công bố thông tin của Vinachem, trong báo cáo thậm định giá xác định giá thoái vốn, do mặt bằng thuê đất tại khu Nguyễn Trãi sẽ được Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn toàn quyền quản lý và sử dụng thực hiện dự án nên thẩm định viên chỉ xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê và công trình trên đất tương ứng số tiền hỗ trợ từ CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là 435 tỷ đồng.
Dù vậy, chỉ riêng giá trị khu đất này đã đóng góp 23,7%, tức gần 1/4 giá trị thực tế của SRC được Công ty TNHH kiểm toán và định giá Việt Nam xác định.
Khu đất này được SRC ký hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn lập một liên danh để thực hiện dự án "Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn" từ năm 2015, nhưng đến nay dự án vẫn long đong, nằm trên giấy và vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý, do SRC chưa hoàn thiện được thủ tục theo quy định về quản lý đất đai và di dời cơ sở ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn đã được thành lập hồi tháng 6/2016, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, SRC góp 26% bằng nguồn cho vay lãi suất 0% của Hoành Sơn. 2 bên cũng thống nhất việc Hoành Sơn sẽ hỗ trợ SRC 435 tỷ đồng (chưa bao gồm các loại thuế) để di dời nhà máy sản xuất về KCN Châu Sơn.
Tuy nhiên, với giá trị hỗ trợ 435 tỷ đồng, tương ứng số tiền đối tác trả cho SRC để có quyền thực hiện dự án chỉ 6,97 triệu đồng/m2, thấp hơn 40% so với đề xuất của 2 công ty BĐS khác vào năm 2012, không ít cổ đông của SRC đã e ngại về việc thất thoát giá trị và đề xuất đấu giá công khai.
Chình vì thế, những Đại hội cổ đông của SRC trong những năm qua luôn "nóng" từ khâu tổ chức, dự án đất vàng,…cho đến bầu thành viên HĐQT. Mặc dù ĐHCĐ thường niên năm 2019 của SRC đã tổ chức thành công, tuy nhiên, một cổ đông sở hữu 4,6% SRC vừa gửi một đơn thư lên các cơ quan chức năng phản ánh về một số điểm bất bình thường về việc tổ chức đại hội, bầu thành viên HĐQT, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính hấp dẫn của đợt thoái vốn nhà nước đang diễn ra ở Công ty.
Vinachem - cổ đông lớn nắm 51% có hành động gì?
Theo đơn kiến nghị do ông Trần Hồng Việt – người sở hữu 4,6% SRC gửi một số cơ quan chức năng ngày 16/5/2019 nêu, Vinachem đã đồng ý miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị với ông Nguyễn Công Tuấn (trong khi ông Tuấn đang đại diện cho cổ đông tổ chức Cao su Việt Hàn) và đồng ý cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của SRC từ nhiệm theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 19% cổ phần. Những thành viên này không mặc lỗi gì, HĐQT và Ban kiểm soát đang hoạt động bình thường, HĐQT cũng không có bản xác định nhóm cổ đông trên nắm giữ cổ phần đủ 6 tháng như quy định hay không.
Đồng thời, Vinachem đồng ý cho bầu các thành viên HĐQT và BKS mới tại Đại hội của SRC ngày 27/4/2019.
Vinachem sở hữu 51% cổ phần nhưng không thực hiện đề cử bổ sung thành viên HĐQT của nhiệm kỳ mới, tự mình tước bỏ quyền của cổ đông nhà nước và để nhóm cổ đông trên có 2/5 vị trí trong HĐQT.
Đáng chú ý, các tài liệu ĐHCĐ được ký ngày 10/4/2019 thì ngay ngày hôm sau 11/4/2019 nhóm cổ đông nắm giữ hơn 19% đã có đơn gửi đề cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Cổ đông Việt cũng phản ánh trong đơn kiến nghị, tại Đại hội khi các cổ đông có ý kiến về việc lý lịch, quá trình công tác của các ứng viên này thiếu trung thực (ứng viên không làm việc tại đơn vị ký tên, đóng dấu xác nhận lý lịch), ông Lâm Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị SRC - chủ tọa Đại hội - đã tự ý cho dừng Đại hội để tổ giúp việc thay thế sơ yếu lý lịch của những ứng viên đó bằng một sơ yếu lý lịch photo, không có dấu đỏ. Nhiều cổ đông nhỏ lẻ phản đối không bầu cử, nhưng cổ đông lớn nhà nước chi phối vẫn tiếp tục tiến hành.
Ông Việt cho rằng việc khó có cơ hội tham gia đề cử, ứng cử vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thay thế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ngoài ra, cổ đông này phản ánh theo quy định thì tài liệu Đại hội phải gửi các cổ đông có quyền dự họp chậm nhất trước 15 ngày, tuy nhiên, nhiều cổ đông có địa chỉ rõ ràng lại không nhận được thông báo mời họp. Trong khi đó, Điều 4, Quy chế Đại hội đồng cổ đông của SRC lại quy định, các đại diện theo ủy quyền khi muốn tham dự đại hội cần có chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người dự họp; thông báo mời họp (bản chính của Công ty). Cổ đông Việt phải tới ngày 18/4/2019, SRC mới gửi thư mời tham dự Đại hội…
Vì thế, theo ông Việt những cổ đông nhỏ lẻ không đủ thời gian để liên lạc, nhóm họp thành nhóm cổ đông đủ 5% để ứng cử vào thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2021.
Bên cạnh đó, cổ đông Trần Hồng Việt phản ánh, việc thoái vốn nhà nước của Vinachem là quá gấp gáp. Bởi Vinachem ra thông báo thoái vốn ngày 14/5/2019 là ngày 4/6 tới sẽ bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại HoSE. Giá khởi điểm đem ra đấu giá là 46.452 đồng/cổ phiếu. Như vậy là chỉ diễn ra trong 20 ngày bình thường trong khi theo Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, thời gian công bố thông tin trước 20 ngày làm việc tương đương với khoảng 30 ngày bình thường.
Ngoài ra, cổ đông này cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi, tại sao trước khi bán vốn nhà nước, Vinachem lại tự tước quyền của mình và cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC vào 2/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 1/3 ghế trong Ban kiểm soát? Việc này có làm giảm sức hút của đợt bán vốn nhà nước tại SRC, vì cổ đông mới vào mua với tỷ lệ 15% rất khó để có 1 ghế trong Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016 - 2021. Có hay không việc tiếp tay cho một nhóm cổ đông lớn bỏ ra một lượng tài chính nhỏ để thâu tóm SRC nắm quyền kiểm soát khi Nhà nước thoái vốn?