Báo cáo "Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững" vừa được Hiệp hội Cao su Việt Nam công bố cho thấy, tính đến năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha, với gần 67% diện tích đang trong giai đoạn cho thu hoạch mủ.
Trọng tâm của ngành cao su Việt Nam là xuất khẩu, gồm ba nhóm chủ lực: nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gần đây là gỗ cao su và đồ gỗ được làm từ cao su.
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm hàng này đạt trên 6,4 tỷ USD, đóng góp 5,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2017. Việt Nam là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 11,7% tổng lượng cao su thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan 33,2% và Indonesia 27,2%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng từ 372.000 tấn năm 2012 lên đến 901.600 tấn năm 2017, chiếm khoảng 65,3% tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu từ Việt Nam. Các thị trường tiêu thụ khác như Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ… có tỷ trọng nhỏ hơn rất nhiều, chiếm khoảng 2-4% mỗi quốc gia.
Xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam theo thị trường.
Do Trung Quốc chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu cao su của Việt Nam nên tác động từ quốc gia này lên mặt hàng cao su là rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra.
Cụ thể, ngày 13/9/2018, chính quyền ông Trump quyết định tiếp tục áp thuế với tổng giá trị 189 tỷ USD với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gồm cả gỗ và bộ phận của ôtô. Chính sách thuế mới này có hiệu lực từ 24/9/2018 với mức thuế tăng lên 25% vào thời điểm 1/1/2019 và sau đó đẩy lên cao nhất có thể lên tới 44% nếu Trung Quốc và Mỹ không có giải pháp tháo gỡ.
"Với mức thuế cao được áp dụng cho các mặt hàng linh kiện ôtô của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực. Trung Quốc là thị trường nhâp khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam và với 70% cao su thiên nhiên đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", báo cáo của Hiệp hội Cao su nêu rõ.
Trên thực tế, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cho thấy tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên ngành cao su Việt Nam.
Theo đó, xuất khẩu cao su trong tháng 8/2018 đạt 163.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng năm 2018 đạt 870.000 tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng nhưng giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 63,3%; 5,7% và 3,9%.
Mặc dù được hậu thuẫn bởi yếu tố tồn kho cao su Trung Quốc giảm 3,26% so với cuối tháng 7 song giá xuất khẩu cao su Việt Nam tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thấp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần làm giảm nhu cầu cao su của Trung Quốc.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8 đạt 1.269 USD một tấn, giảm 5,7% so với tháng 7 năm 2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.427 USD/tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của nước ta, tuy vậy xuất khẩu cao su sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia lại có mức tăng nhanh và được giá hơn. Hiện thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm đa dạng bạn hàng, đặc biệt là một số thị trường có tăng trưởng tốt như Ấn Độ.
Trong khi đó, lũ lụt tại Ấn Độ đã gây thiệt hại lớn đến nguồn cung cao su của nước này. Các nhà chức trách Ấn Độ đều cho rằng sản xuất cao su nội địa sẽ không sớm hồi phục, và các nhà sản xuất lốp xe như MRF, JK Tyre, Apollo Tyres và Ceat sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu cao su. Và đây chắc chắn là cơ hội lớn cho ngành cao su Việt Nam.