Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 01/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tăng theo giá thế giới. Ngày 28/01/2019, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp và mủ nước đạt lần lượt 265 đ/độ TSC và 255 đ/độ TSC, tăng 15 đ/độ TSC so với cuối tháng 12/2018.
Ước tính, tháng 01/2019 xuất khẩu cao su đạt 175 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với tháng 12/2018; tăng 28,9% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 1.257 USD/tấn.
Năm 2018, xuất khẩu nhiều chủng loại cao su tăng về lượng so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp đạt 826,52 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng, nhưng giảm 14,1% về trị giá so với năm 2017, chiếm 52,8% trong tổng lượng cao su xuất khẩu; xuất khẩu cao su CSR 10 tăng 1.250%, cao su SVR 20 xuất khẩu tăng 131,8%, cao su SVR 10 tăng 67,5%... Trong khi xuất khẩu cao su dạng Crếp giảm 98,2%; SVR CV 50 giảm 16%, cao su RSS1 giảm 19,1%…
Năm 2018, giá xuất khẩu các mặt hàng cao su đều giảm mạnh so với năm 2017, trừ giá cao su hỗn hợp và cao su dạng Crếp.
Trên thị trường thế giới, tháng 01/2019, giá cao su tăng so với tháng cuối năm 2018. Giá cao su tăng do giá dầu tăng, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung hạ nhiệt và nhu cầu tiêu thụ cao su cao hơn so với sản lượng.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), trong 11 tháng năm 2018, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên (NR) tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017, lên 12,852 triệu tấn, nguồn cung tăng 5,4%, lên 12,816 triệu tấn. Như vậy, thế giới đã bị thiếu hụt 36 nghìn tấn cao su tự nhiên trong 11 tháng năm 2018.