Trong báo cáo mới nhất của Bộ GTVT về công tác giải phóng mặt bằng 11 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2020), tới nay đã chi trả tiền đền bù, có thể bàn giao mặt bằng hơn 457 km/653 km (đạt 70%) toàn dự án.
Bộ GTVT đánh giá, đến nay hầu hết các địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp (theo tiến độ phải xong trong năm 2019). Cùng với đó, việc bồi thường đất ở đang ở giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt,một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư.
Trong 30% mặt bằng con lại chưa bồi thường có 1 phần rất lớn là di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông), nhưng tới nay mới ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời. Trong khi, thời hạn các địa phương cam kết với Thủ tướng xong công tác mặt bằng trong quý II/2020.
Bộ GTVT cũng cho hay, trong quá trình thực hiện các dự án tái định cư, một số địa phương lập dự án với quy mô các công trình đường giao thông, diện tích lô đất… chưa phù hợp quy định về quy hoạch. Điều này làm tăng diện tích xây dựng khu tái định cư, tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Tháng 12/2019, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát để điều chỉnh lại.
Đặc biệt, tại một số địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng thực tế tăng vượt tổng mức dự toán được duyệt (tính cả chi phí dự phòng). Trong đó, tăng cao nhất là đoạn QL45 – Nghi Sơn vượt dự toán 541 tỷ đồng, đoạn Nghi Sơn- Diễn Châu vượt 443 tỷ đồng, đoạn Diễn Châu- Bãi Vọt vượt 390 tỷ đồng, đoạn Mai Sơn – QL45 vượt 305 tỷ đồng, đoạn Cam Lộ- La Sơn vượt 190 tỷ đồng...
Do đó, Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương rà soát và tính toán lại toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng theo thực tế để Bộ GTVT có cơ sở xử lý, thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung phần kinh phí tăng thêm.
Hiện Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT đang thực hiện báo cáo để trình Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi 8 đoạn dự án từ đầu tư BOT sang đầu tư công. Song song với đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với địa phương xong công tác giải phóng mặt bằng trong quý II/2020, để sẵn sàng khởi công các dự án vào tháng 8 tới.
Việc chuyển các dự án sang đầu tư công và sớm khởi công xây dựng được xem là một trong các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, như Tiền Phong đã có bài phân tích, giải pháp dùng đầu tư công để kích thích nền kinh tế sẽ bị giảm hiệu quả nếu tiến độ giải ngân chậm, thậm chí sẽ giảm ý nghĩa nếu không khởi công được trong năm 2020. Trên thực tế, vấn đề đáng lo nhất có thể ảnh hưởng tới tiến độ dự án là công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chi làm 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT. Tổng vốn đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó chi phí cho giải phóng mặt bằng khoảng 12.401 tỷ đồng.