Cuối tuần qua, Bộ GTVT lần đầu tiên tổ chức Hội nghị chào mời nhà đầu tư tham gia rót vốn vào một số đoạn cao tốc Bắc – Nam theo hình thức BOT. Bộ GTVT cũng công bố công khai mức phí, lộ trình tăng phí, thời gian thu phí áp dụng với các dự án BOT cao tốc này. Mức phí và lộ trình tăng phí này đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, mức phí khởi điểm thấp nhất là 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi), và tối đa là 3.400 đồng/km với xe tiêu chuẩn. Mức phí áp dụng ổn định trong thời hạn 3 năm, sau đó sẽ tăng 1 lần. Thời gian thu phí bình quân mỗi dự án khoảng 24 năm.
Cụ thể, giai đoạn 2021- 2023 (khi dự án hoàn thành và bắt đầu thu phí) mức phí nhà đầu tư được thu là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn; giai đoạn 2024- 2026 là 1.700 đồng/km, giai đoạn 2027- 2029 là 1.900 đồng/km;
Giai đoạn 2030- 2032 là 2.100 đồng/km, giai đoạn 2033- 2035 là 2.400 đồng/km, giai đoạn 2036- 2038 là 2.700 đồng/km, giai đoạn 2039- 2041 là 3.000 đồng/km, giai đoạn 2042- 2044 là 3.400 đồng/km.
Với mức phí trên, theo tính toán của Bộ GTVT, mức lợi nhuận của nhà đầu tư khoảng 11,7%. Mức lợi nhuận này được tính toán trên cơ sở lạm phát khoảng 3%/năm, lãi vay ngân hàng khoảng 6,5%/năm.
Theo Tờ trình Quốc hội của Chính phủ, về mức phí áp dụng với dự án, nếu áp dụng cố định mức phí đủ hấp dẫn nhà đầu tư phải khoảng 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, thời gian thu phí 24 năm. Tuy nhiên, mức này sẽ vượt quá mức chi trả của người dân, không thu hút được người dân sử dụng đường.
Còn nếu áp dụng cố định mức phí 1.500 đồng/km/xe, phù hợp mức chi trả người dân, thu hút được xe sử dụng đường, nhưng không đủ bù đắp chi phí và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Điều này sẽ không thu hút được nhà đầu tư.
Do đó, để đảm bảo khả thi, hiệu quả, thu hút được nhà đầu tư, mức phí sẽ điều chỉnh theo từng thời kỳ, khởi điểm là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, mỗi 3 năm tăng phí 1 lần, lên mức cao nhất là 3.400 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Theo tính toán của Chính phủ, 11 đoạn dự án cao tốc Bắc – Nam giai thực hiện trong đoạn 2017 – 2020 có tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 55.000 đồng đồng, gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP (loại hợp đồng BOT); 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công gồm: đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.
Số còn lại khoảng 63.716 tỷ đồng là phần vốn nhà đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư rót vào dự án khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.
8 đoạn cao tốc kêu gọi đầu tư BOT gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.