Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng lớn vừa có văn bản đề xuất các cấp có thẩm quyền chỉ định cho thi công một số gói thầu thuộc 12 dự án đầu tư công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Điển hình như Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Xuân Trường đề xuất được chỉ định cho thi công đoạn cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (dài khoảng 53 km). Nhà thầu này cam kết, nếu được chỉ định thầu sẽ thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ rút ngắn 3-6 tháng, tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu. Hay Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh xin được chỉ định tham gia thi công đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.
Một số nhà thầu khác cũng có đề xuất được chỉ định thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam , như: Trung Nam, Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Vinaconex; Hưng Thịnh… Các nhà thầu này đều cam kết thi công vượt tiến độ 3-6 tháng, tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu. Thậm chí, có nhà thầu còn cho biết, đã làm việc với tổ chức tín dụng trong nước để đảm bảo nguồn vốn thi công nếu được chỉ định thực hiện các gói thầu.
Theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ về triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) với gói thầu xây lắp các dự án thành phần; tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu) và các gói thầu quan trọng khác (nếu thấy cần thiết). Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT.
Nguồn tin từ Bộ GTVT cho hay, trong số các nhà thầu đề xuất được chỉ định thi công cao tốc Bắc - Nam có đơn vị gửi bộ này, có đơn vị gửi Bộ KH&ĐT, có đơn vị lại trực tiếp kiến nghị lên Thủ tướng. Bộ GTVT chưa có đề xuất tiêu chí chọn nhà thầu, phải đợi thiết kế kỹ thuật của từng dự án.
Mới đây, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Thủ tướng một số tiêu chuẩn chọn nhà thầu chỉ định thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, bộ này đề xuất, nhà thầu phải từng tham gia dự án giao thông có giá trị ít nhất bằng 70% giá trị gói thầu sẽ tham gia, hoặc từng thi công các dự án có hạng mục tương tự gói thầu được chỉ định; nhà thầu phải đặt cọc hoặc ký quỹ để chứng minh năng lực tài chính; không chia gói thầu, ưu tiên nhà thầu có thể huy động ngay vật liệu, nhân lực, thiết bị để thi công, từng hoàn thành dự án vượt tiến độ, không cùng lúc thực hiện nhiều gói thầu dẫn đến vượt khả năng thi công... Những nội dung yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm sẽ do Bộ GTVT đề xuất.
Ngăn việc chia nhỏ dự án, bán thầu
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian triển khai cao tốc Bắc - Nam được khoảng 6 tháng so với đấu thầu. Riêng chủ trương không chia nhỏ gói thầu để tránh manh mún đã là một giải pháp loại nhà thầu yếu kém.
Theo ông Hiệp, chỉ nên chia các gói thầu có giá từ 5 nghìn tỷ đồng trở lên, yêu cầu nhà thầu phải có vốn lưu động 1-2 nghìn tỷ đồng, không có nợ xấu. Về năng lực chuyên môn, nhà thầu được chỉ định phải từng thi công các dự án giao thông, cao tốc, không bị chậm tiến độ; phải sở hữu các loại thiết bị chuyên dùng, như máy cán nhựa, rải đường, đào hầm...; phải trực tiếp thi công 60% khối lượng dự án trở lên, phần còn lại mới được thuê thầu phụ; phân rõ cơ chế thưởng khi vượt tiến độ và phạt nếu chậm...
“Trước khi chỉ định thầu, các bộ, ngành cần công khai tiêu chí để nhà thầu đăng ký và giám sát lẫn nhau. Thực tế có nhiều nhà thầu vốn đăng ký lớn, nhưng đã tham gia nhiều dự án, nợ nhiều, hoặc phân tán nguồn lực ra các gói thầu khác. Những nhà thầu này giờ có thêm dự án sẽ không đủ lực trực tiếp làm, mà nhận để giao lại đơn vị thành viên, hoặc nhà thầu phụ nhằm hưởng phần trăm”, ông Hiệp nói.
Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, để chỉ định được nhà thầu đủ năng lực tài chính , thi công cần các tiêu chí rõ ràng, công khai. Cùng với đó, cần các tiêu chí về vốn, như số vốn tự có, khả năng huy động tín dụng cho thi công, yêu cầu ký quỹ để chứng minh năng lực. Khi ký hợp đồng cũng cần nêu rõ các điều kiện về xử phạt vi phạm cam kết, vi phạm chất lượng, tiến độ, kể cả điều khoản cấm tham gia các dự án giao thông khác. Trong quá trình thi công, ngoài trách nhiệm giám sát của tư vấn, các cơ quan đại diện chủ đầu tư cũng phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, toàn bộ từ ngân sách Nhà nước. Chính phủ đặt mục tiêu các gói thầu đầu tiên sẽ khởi công ngay cuối năm nay. Dự án được chia thành 12 đoạn thành phần, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Vũng Áng - Bùng; Bùng - Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Chí Thạnh - Vân Phong; Vân Phong - Nha Trang; Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau.