Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cho biết, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Ninh Bình, theo hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự án sử dụng đất đắp từ 3 mỏ: Thống Nhất, Đồi Giàng và Sòng Vặn. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai dự án, khả năng cung cấp đất của các mỏ này không đáp ứng được nhu cầu của dự án.
Mỏ Thống Nhất hiện giấy phép khai thác đã hết hạn, Công ty TNHH Thống Nhất chưa làm các thủ tục gia hạn giấy phép khai thác. Mỏ Đồi Giàng, theo hồ sơ khảo sát, trữ lượng khoảng 1 triệu m3 (gồm cả đất và đá), thực tế nhà thầu đang lấy đất tại mỏ này thì trữ lượng đất có thể khai thác phục vụ đắp đất K90 và K95 cho dự án chỉ khoảng 100.000 m3.
Đối với mỏ Sòng Vặn, theo hồ sơ khảo sát, trữ lượng khoảng 5 triệu m3 (gồm cả đất và đá), đã được cấp phép và đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật đủ điều kiện để đắp đất nền đường.
Tuy nhiên, để khai thác được mỏ đất này phải đền bù mặt bằng mỏ khoảng 30 ha hoặc đền bù từng phần theo nhu cầu dự án và làm đường vào khoảng 2 km, mở rộng cạp hai bên đường hiện trạng. Thời gian dự kiến đền bù mặt bằng mỏ khoảng 4 tháng.
Đối với nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, qua khảo sát, có khoảng 19 mỏ đất, 20 mỏ cát và 24 mỏ đá có khả năng cung cấp vật liệu cho dự án. Hiện nay, dự án đã chấp thuận nguồn vật liệu của 9 mỏ đất, 16 mỏ cát và 9 mỏ đá. Trữ lượng các mỏ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, công suất khai thác tại các mỏ đất và mỏ cát hiện tại còn thấp do trước khi dự án cao tốc Bắc-Nam triển khai, nhu cầu sử dụng vật liệu đắp công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không nhiều.
Ban QLDA Thăng Long cho biết, Ban đã phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa rà soát, làm việc cùng các chủ doanh nghiệp khai thác vật liệu. Các chủ doanh nghiệp đều cam kết sẽ làm thủ tục nâng công suất khai thác khi các nhà thầu có cam kết về việc mua vật liệu phục vụ thi công dự án, đồng thời cam kết sẽ giữ giá vật liệu ổn định, không tăng giá bán trong suốt thời gian triển khai dự án.
Riêng với tình trạng thiếu đất đắp tại tỉnh Ninh Bình, hiện nay, Bộ GTVT đang cùng Ban QLDA Thăng Long, nhà thầu, tư vấn thiết kế làm việc cùng các cơ quan, ban ngành của tỉnh Ninh Bình tìm giải pháp tháo gỡ để có phương án đắp nền cho dự án đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cũng xảy ra trên công trường tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, cái khó của dự án hiện nay là nguồn vật liệu cát để đắp nền đường. Theo số liệu khảo sát, trong năm 2021 cần khoảng 2 triệu khối cát để phục vụ cho dự án đắp nền đường và đắp gia tải xử lý nền đất yếu.
Tuy nhiên, nguồn cát hiện nay trên thị trường rất khó khăn. Theo khảo sát của các nhà thầu, vật liệu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nền đường cao tốc được lấy chủ yếu từ các mỏ, nguồn cung cấp nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nhưng hiện nay trữ lượng khai thác năm 2021 được cấp phép hạn chế, cần thời gian làm thủ tục gia hạn cấp phép.
Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cho hay, khó khăn về nguồn cung khiến giá cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng, gây khó cho nhà thầu trong việc tìm nguồn vật liệu để phục vụ dự án. Ngoài ra, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng còn lại tại một số vị trí cũng khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh quy định về thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu. Ảnh: VGP/Trang Trang
Liên quan đến tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, ngày 22/4, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo lên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về việc, để đảm bảo cho các dự án cao tốc Bắc-Nam hoàn thành trong năm 2022 (24 tháng thi công), Bộ GTVT đã đồng loạt triển khai các dự án thành phần. Nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến do tiến độ yêu cầu hoàn thành nền đường các gói thầu, dự án thành phần trong cùng một thời gian dẫn đến tình trạng hiện tại mới đủ điều kiện khai thác 32,2/54 triệu m3 đất đắp, còn lại 21,8/54 triệu m3 chưa đủ điều kiện khai thác.
Bộ GTVT cho rằng, khối lượng đất nêu trên dự kiến lấy tại các mỏ vẫn đang hoàn tất các thủ tục (cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, giải phóng mặt bằng mỏ, làm đường vào mỏ,…) dẫn đến khả năng kéo dài tiến độ, thậm chí phải dừng thi công do chờ thủ tục khai thác mỏ.
Khối lượng chưa đủ điều kiện khai thác tập trung tại 8 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc địa bàn 7 tỉnh (Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận và Đồng Nai).
Để khắc phục tình trạng hiện tại, Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban QLDA tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm phát hiện các mỏ có khả năng khai thác, thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện khai thác vật liệu đất đắp, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án. Lập phương án điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền từ các vị trí đào trên tuyến điều phối sang để đắp các đoạn nền đắp, ưu tiên các đoạn phải xử lý nền đất yếu để kịp tiến độ gia tải.
Đồng thời, nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu từ nền đào theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đất đắp nền đường nhằm giải quyết khó khăn vật liệu đắp nền đường, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GTVT kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với các địa phương có dự án đi qua thực hiện tốt việc công bố giá vật liệu, nhân công, thiết bị đảm bảo kịp thời, chính xác để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đặc biệt là giá nhân công đảm bảo phù hợp với bộ định mức do Bộ Xây dựng ban hành. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giá xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng; đồng thời quản lý, công bố chỉ số giá xây dựng đầy đủ (bao gồm vật liệu đất đắp), kịp thời, phù hợp biến động giá thực tế, đảm bảo bù đắp chi phí trượt giá cho nhà thầu khi triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, các địa phương có cao tốc đi qua cần quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được (do chưa giải phóng mặt bằng mỏ, chưa có đường tiếp cận,...); cấp phép khai thác đối với các mỏ đã có trong quy hoạch; nâng công suất khai thác mỏ đối với các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ; gia hạn giấy phép mỏ đối với các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông.
Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị, sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các Bộ: GTVT, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Thủ tướng yêu cầu các bộ và địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 07 ngày 21/3/2019 của Thủ tướng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá.