Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông
Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) không chỉ là khu vực có vị trí đặc biệt, có lợi thế về an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế bình quân chung của vùng ĐBSCL chỉ đạt 1,2%, một số địa phương tăng trưởng âm. Giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn chậm; đô thị hóa chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ…
Trong khi đó, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 của VCCI cho thấy, khu vực này đang đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ trong phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước, cụ thể đóng góp của khu vực vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã bị đảo ngược và duy trì cho đến nay.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, điểm nghẽn phát triển của ĐBSCL là hạ tầng giao thông mới ở mức phục vụ cho di chuyển, chưa phục vụ cho phát triển. Trong khi, sự thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.
Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến đời sống của người dân là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được khai thác đúng mức. Đường sắt hầu như chưa có, còn hệ thống đường bộ thì chưa có sự kết nối thông suốt và đồng bộ. Cả vùng ĐBSCL mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc, trong khi đó có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng này phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP.HCM để xuất khẩu.
Hơn nữa, khu vực không có cảng lớn để trung chuyển hàng, do vậy hàng hóa phải luân chuyển từ TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ mất thời gian, dẫn đến giá thành vận chuyển cao, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có 1.139km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898km, miền Trung có 127km, khu vực Đông Nam Bộ có 74km và khu vực ĐBSCL có 40km. Tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc vùng ĐBSCL còn chậm so với quy hoạch được duyệt đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, điểm yếu của vùng ĐBSCL là chưa có sự liên kết giữa các địa phương, chưa có bản đồ quy hoạch chung cho toàn vùng để xây dựng các chương trình thu hút đầu tư.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được, Bí Thư Tỉnh ủy Long An nhận định, các tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; tuyến đường ven biển phía Đông của ĐBSCL... có vai trò rất quan trọng, mở ra hành lang mới ven biển để phát triển kinh tế vùng. Bên cạnh việc chống biến đổi khí hậu, tuyến đường còn có nhiệm vụ chiến lược quốc phòng.
Mở toang cánh cửa đón đầu tư nhờ vào cao tốc
Nắm bắt được những khó khăn, thách thức nêu trên, trong 10 năm giai đoạn 2010 - 2020, Nhà nước, Chính phủ đã hết sức trăn trở và dành nhiều ưu ái cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL bằng các chính sách, nghị quyết thiết thực. Mới đây nhất là vào tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng và sẽ sớm được ban hành. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai theo Luật Quy hoạch, được kỳ vọng sẽ trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng trên cả nước.
Đồng thời, Chính phủ cũng tăng cường bố trí nguồn lực so với giai đoạn trước, triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, giải pháp giải quyết vấn đề kết nối nội vùng và liên vùng. Một số công trình quan trọng, quy mô lớn được triển khai như: Cái Lớn - Cái Bé, cống Trà Sư, khánh thành 51km lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đặc biệt là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ…
Tháng 4/2019, Thủ tướng đã có lời hứa với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL về phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải được thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.
Để hiện thực hóa lời hứa với người dân và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, ngày 4/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, là một đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối từ TP. HCM - Cần Thơ dài 120km cũng như nhiều tuyến khác ở các tỉnh miền Tây.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này kết hợp với tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM - Cần Thơ. Thời gian đi từ TP.HCM - Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3 - 4 tiếng hiện nay, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên QL1. Qua đó, tạo sự liên kết, từng bước phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Cũng trong ngày 4/1, Thủ tướng tham dự Lễ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến thời điểm này, dự án đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51km. Dự kiến Tết Nguyên đán năm nay, nếu được Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có thể phục vụ người dân (xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5T với tốc độ khoảng 40 km/h).
"Trong tương lai chúng ta có tuyến cao tốc liền mạch, trên trục chính TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và tiếp tục sẽ khởi công tuyến Cần Thơ - Cà Mau tạo nên sự kết nối quan trọng với miền Tây Nam Bộ", Thủ tướng nhấn mạnh.