Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng cung cấp tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Tú, đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại nên các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay. Nếu các ngân hàng thương mại thiếu vốn, NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án này. Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngân hàng phải báo cáo ngay. NHNN sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cho đến khi dự án hoàn thành.
Khẳng định tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị sẵn bản kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỉ đồng cho dự án cao tốc này. Nếu không có gì thay đổi, phần vốn này sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019.
Tính đến nay, tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới được 25% khối lượng thi công. Những ngày qua, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát… đã có nhiều “bước đi” tháo gỡ vướng mắc cho dự án.
Theo đó, Tiền Giang phê duyệt phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu 14.678 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn BOT 10.482 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác) 2.787 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 7.695 tỷ đồng.
Như vậy, vốn vay thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong dự án, việc thúc đẩy tiến độ dự án nằm ở nguồn vốn 2.186 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Tuy vậy,vướng mắc lớn nhất đối với nguồn vốn này là việc hoàn thành hồ sơ điều chỉnh dự án, quy trình, thủ tục giải ngân.