Tại diễn đàn "Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 26-5, các diễn giả đều có chung nhận định việc 70% lượng hàng hóa, nông sản của ĐBSCL phải vận chuyển qua nhiều địa điểm mới lên tới TP HCM để xuất đi các nơi khiến chi phí đội lên cao, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của sản phẩm.
Mở đầu diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhìn nhận hằng năm, ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển khoảng 18 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - điểm nghẽn của ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối từ sản xuất tới tiêu dùng, chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa, nông sản. Theo thống kê của Bộ Công Thương, chi phí logistics của vùng chiếm 30% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân là do hệ thống logistics trong vùng còn thiếu liên kết và đồng bộ, vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ và thủy nội địa trong khi các cảng ở miền Đông Nam Bộ thường xuyên quá tải dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi tăng cao.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng. Sự xuất hiện của những hạt lúa, quả xoài, trái bưởi... của ĐBSCL trên kệ các siêu thị lớn trên thế giới chính là những đại sứ thương hiệu đầu tiên cho các sản phẩm Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới. Do đó, để mở rộng sự hiện diện của sản phẩm ĐBSCL tất yếu phải phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL một cách tương xứng.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI, chi nhánh Cần Thơ, nêu thực tế 15 cảng ở ĐBSCL chỉ hoạt động từ 15%-20% công suất; trên 85% cảng tập trung manh mún, công suất xếp dỡ 10.000 tấn/năm. Trong khi gần 80% hàng hóa, nông sản của vùng phải chở lên TP HCM và cụm cảng miền Đông Nam Bộ để xuất khẩu, ước tính chi phí tăng thêm khoảng 5-10 USD/tấn. Ngoài ra, thời gian vận chuyển bằng đường bộ khá lâu, từ Cần Thơ đến cảng Cát Lái (TP HCM) mất 5 giờ, từ Cần Thơ đến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) tốn khoảng 8 giờ. Nếu vận chuyển hàng hóa từ TP Cần Thơ đến 2 địa điểm trên bằng đường thủy còn lâu hơn, lần lượt là 18 giờ và 36 giờ.
Ông Lam cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình cải cách, hoàn thiện hệ thống giao thông cho khu vực ĐBSCL. Do đó, đây là thời điểm "chín muồi" để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho cả vùng. Nếu khơi thông tuyến vận tải thủy nội địa cùng với hoàn thiện hệ thống cảng biển, sân bay, các trung tâm logistics, sẽ giúp việc tập kết hàng hóa được thuận lợi hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa vùng với TP HCM và Đông Nam Bộ; phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với dịch vụ logistics. Ngoài ra, theo Quyết định 1012/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng thì định hướng đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 2 trung tâm logistics cấp vùng đi vào hoạt động. Đây là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng đưa ra nội dung xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ. Điều này tạo tiền đề cho sự phát triển logistics của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.