Ngày 6/7, tại phiên họp bất thường, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn như trong biểu khung thuế suất đề nghị của Chính phủ.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là mức giảm "kịch khung" mà UBTV Quốc hội có thể quyết định theo thẩm quyền.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất nhanh nhất đến ngày 22/7 tới, để kịp ban hành nghị định hướng dẫn và triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và UBTV, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu.
Do đó, UBTV Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7 tới, để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo (vào ngày 15/7).
Theo đó, mức điều chỉnh thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế từ khi điều chỉnh đến hết 31/12/2022 như sau:
- Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
- Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
- Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.
- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Đồng thời, Nghị quyết này cũng sẽ thay thế cho Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của UBTV Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của UBTV Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Ngoài ra, thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tờ trình của Chính phủ dự kiến đề xuất phương án trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng xăng dầu tại kỳ họp tháng 10/2022 hoặc kỳ họp bất thường.
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập rõ thời điểm dự kiến ban hành Nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện việc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với xăng trên thực tế để bảo đảm tính kịp thời.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi MFN; khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế GTGT, thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, neo ở mức cao tác động tiêu cực đến chỉ số lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét có quy định phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giảm giá xăng mà vẫn gặp khó khăn như ngư dân đánh bắt thuỷ sản xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp... Chính phủ cần chủ động để có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng dầu theo đúng yêu cầu của Quốc hội, UBTV Quốc hội tại các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua.
THU NGÂN SÁCH TỪ XĂNG DẦU VẪN TĂNG CAO
Như đã thông tin , tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 04/7, Bộ trưởng Tài chính cho biết năm nay ước tính ngân sách tăng thu 9.100 tỷ đồng nhờ thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, riêng chính sách giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu tới đây dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách 32.500 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tính thuế với xăng dầu thành phẩm, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang kèm 4 loại thuế: GTGT - VAT là 10%, nhập khẩu (10%), TTĐB (10%) và thuế BVMT.
Loại trừ sắc thuế BVMT có tính cố định, với 3 loại thuế còn lại, khi giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên thì số thu NSNN từ các loại thuế này cũng tăng lên tương ứng.
Cụ thể, với thuế TTĐB, Bộ Tài chính ước tính số thu thuế cả năm khoảng trên 16,1 nghìn tỷ đồng với giá dầu thế giới bình quân khoảng 110 USD/thùng. Trong trường hợp giá dầu thô bình quân lên 120 USD/thùng, tổng số thu TTĐB thu được có thể lên tới gần 17 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, số thu dự kiến với thuế GTGT của xăng dầu ước đạt hơn 33,1 nghìn tỷ đồng cho năm 2022.
Chưa kể, theo số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê, thu NSNN từ dầu thô lũy kế 6 tháng đầu năm đã đạt 34,2 nghìn tỷ đồng, vượt 21,3% dự toán năm và tăng 80,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, nếu giá xăng dầu nhập khẩu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, số thu NSNN trong nửa cuối năm, từ các sắc thuế với mặt hàng này cộng với thu từ dầu thô dự đoán cũng xấp xỉ mức đã hoàn thành trong 6 tháng qua.
Bộ Tài chính ước tính, nếu bỏ thuế TTĐB thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, như thống kê ở trên, các khoản hụt thu này có thể bù đắp được từ nguồn thu dầu thô, thuế nhập khẩu và thuế GTGT.
Chưa kể, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc giảm thuế BVMT đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế TTĐB, thuế GTGT và thuế nhập khẩu) tăng mạnh. Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo của Bộ Tài chính.
CẦN THÊM "LIỀU THUỐC" MẠNH HƠN
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 17 đợt điều chỉnh, trong đó chỉ 4 lần giảm và có tới 13 lần tăng giá. Hiện giá xăng RON 95 đang ở mức 32.760 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 hiện là 30.890 đồng/lít, tăng trên 7.700 đồng; còn dầu diesel cũng lên mức 29.610 đồng/lít.
So với mức giá đóng cửa của năm 2021, chỉ sau khoảng nửa năm, chỉ riêng giá của 2 loại xăng phổ biến là E5 RON 92 và RON 95 đã tăng từ 37%-40%, trong khi giá của dầu diesel thì đã tăng tới gần 80% mỗi lít.
Giá bán lẻ xăng dầu cuối 2020, 2021 và ở kỳ điều chỉnh gần nhất (1/7/2022). BizLIVE tổng hợp. |
Việc giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy tới sự phát triển của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như ảnh hưởng tới đời sống dân sinh.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Theo đó, việc giá xăng dầu tăng liên tục và ở mức cao nhất trong lịch sử đã hình thành một mặt bằng giá mới; kéo nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tăng từ 5-10%, có loại tăng cao tới hơn 20%, tác động xấu tới đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo và người có thu nhập thấp.
Với quyết sách từ UBTV Quốc hội, thuế BVMT đối với nhóm hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ được giảm về giá sàn trong kỳ điều chỉnh tới, góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó phần nào hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và từ đó ổn định lạm phát.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, ước tác động của giải pháp giảm thuế BVMT lần này sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, do thuế BVMT là số tuyệt đối, chỉ số CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế này đến chỉ số CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.
Như đã đề cập, sau khi dư luận và nhiều cơ quan, hiệp hội, các chuyên gia đồng loạt lên tiếng, mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất Chính phủ giảm thuế TTĐB và thuế GTGT với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cụ thể việc đề xuất mức giảm bao nhiêu cho hai loại thuế thì vẫn chưa được tiết lộ.
Về thuế TTĐB, một số chuyên gia như TS. Bùi Trinh, LS. Trương Thanh Đức đã không ít lần lên tiếng về sự bất hợp lý của sắc thuế này với mặt hàng xăng dầu trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Bởi xăng dầu hiện là mặt hàng thiết yếu cả trong đời sống lẫn sản xuất.
Hơn nữa, sắc thuế TTĐB đang được tính theo công thức "thuế chồng thuế" nên khiến số tiền người dân phải gánh chịu càng tăng cao. Do đó, cần sớm xóa bỏ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu. Song song đó là giảm thuế GTGT với xăng từ 10% xuống còn 8% như các loại hàng hóa khác đã được giảm từ đầu năm đến nay.
Với tính toán trên, sơ bộ mỗi lít xăng có thể giảm thêm khoảng trên 3.000 đồng/lít. Cộng với mức giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít với xăng sắp tới, tổng thể giá xăng sẽ có thể giảm trên 4.000 đồng/lít.