Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tiếp tục có báo cáo Chính phủ, đề nghị có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, cân đối bố trí nguồn vốn để sớm triển khai các dự án nâng cấp, sửa chữa lớn tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Thiếu vốn để sửa chữa lớn
Trước đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này 3 lần, vào tháng 2-2018, tháng 7-2018 và tháng 4-2019. Dù vậy, Chính phủ vẫn chưa chấp thuận bố trí nguồn vốn, trong khi các đường băng, đường lăn tại 2 sân bay trên xuống cấp ngày càng nhanh hơn, nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Hiện tại, 3 đường cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều đã khai thác vượt tần suất khai thác tính toán, do sử dụng nhiều loại máy bay lớn như A350-900 và B787-9 có tải trọng và áp suất lốp gấp 1,2 lần so với thiết kế nên đang xuống cấp nhanh. Trong đó, đường băng Tân Sơn Nhất (được sửa chữa, khai thác từ tháng 6-2013) tính đến hết tháng 4-2018 có tổng số lần cất - hạ cánh (quy đổi) lên tới 126.000 lần. Đường băng Nội Bài (khai thác năm 2003) đến hết tháng 4-2018 có tổng số lần cất - hạ cánh lên tới 284.200 lần.
Dự kiến từ ngày 11 đến 16-9, sân bay Nội Bài tiếp tục phải đóng cửa đường lăn S3 trong khoảng thời gian có mật độ bay thấp để sửa chữa vết hằn lún bê-tông nhựa. Dù đã được sửa chữa cách đây 1 năm nhưng khu vực đường lăn nhanh chóng xuống cấp và tiếp tục được sửa chữa tạm thời từ ngày 9 đến 19-8 vừa qua.
Đường lăn S3 sân bay Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: P.D.
Những khu vực đường lăn có kết cấu bê-tông xi-măng cũng thường xuyên bị nứt vỡ. Mỗi ngày, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phải tổ chức lực lượng kiểm tra hạ tầng khu bay 4 lần, chỗ nào nứt vỡ, hằn lún quá mức là phải gấp rút trám thủng. Tuy nhiên, đây chỉ là tu sửa nhỏ mang tính tạm thời, muốn bảo đảm hoạt động bay an toàn liên tục, phải thực hiện sửa chữa lớn, bóc toàn bộ bề mặt bê-tông nhựa đã hư hỏng, gia cố nền và thảm vật liệu mới.
Hơn 3 năm qua, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất không được tiến hành bất cứ đợt sửa chữa lớn nào đối với khu bay do ngân sách nhà nước không bố trí được vốn, trong khi Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp khai thác cảng - lại không có chức năng sửa chữa, đầu tư đối với hạng mục khu bay do đã cổ phần hóa vào năm 2016.
Chờ quyết định của Chính phủ
Trong các báo cáo vào năm 2018 và đầu năm 2019, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 khoảng 4.200 tỉ đồng đầu tư, nâng cấp các dự án khu bay tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét phương án 2, cho sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay hoặc sử dụng từ Quỹ Ðầu tư phát triển của ACV. Tuy nhiên, cả 2 phương án đề xuất này vẫn chưa được Chính phủ chấp thuận. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng ngân sách không bố trí được song cũng không thể giao ACV làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách vì đã cổ phần hóa, có sự tham gia góp vốn của cổ đông tư nhân.
Để giải quyết vướng mắc trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đến năm 2025; sau đó tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định chuyển đổi chức năng này cho Cục Hàng không Việt Nam. Phía ACV có trách nhiệm bảo trì hạ tầng khu bay bằng nguồn phí cất - hạ cánh, tự bố trí vốn của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn thu không đủ.
Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV để doanh nghiệp này trở lại là doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện bảo đảm cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không. Hoạt động của ACV sau cổ phần hóa gặp nhiều vướng mắc do chưa có cơ chế xử lý dứt điểm những khúc mắc về quyền tài sản, trong đó có nội dung liên quan đến đầu tư, sửa chữa hạ tầng khu bay.