Tại Italy, số người nhiễm mới đã tăng thêm 3.526 trong 1 ngày, với 345 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 31.506 và 2.503 người chết. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy là 7,94%, cao gấp đôi mức trung bình trên toàn cầu là 4,02%.
Ngày 17/3, Đức ghi nhận thêm 2.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên tới 9.367, dẫu vậy tổng số người tử vong chỉ là 26. Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan liên bang phụ trách kiểm soát dịch bệnh tại Đức, đã cảnh báo về rủi ro dịch bệnh ở quốc gia này, nâng mức cảnh báo từ "trung bình" lên "cao" do số lượng ca nhiễm mới tăng đột biến trong những ngày qua và nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế sắp quá tải.
Trong khi đó, Tây Ban Nha có thêm 1.884 trường hợp, nâng tổng số ca lên tới 11.824. Hiện tại, quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm nhiều thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Italy và Iran. Pháp cũng có thêm 1.097 người nhiễm, nâng tổng số ca lên 7.730 và 81 người chết, có 24 trường hợp tử vong trong ngày 17/3. Hiện tại, 2 quốc gia này đã quyết định phong toả toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh.
Iran hiện vẫn là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, có thêm 1.178 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca ở nước này là 16.169, thêm 135 ca tử vong nâng số người chết lên 988. Iran đã áp đặt lệnh phong toả từ ngày 13/3.
Các nhà lãnh đạo của châu Âu đã đồng ý về việc hạn chế hầu hết hoạt động đi lại đến lục địa này. Giới chức quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động di chuyển của người nước ngoài đến châu Âu. Nối gót các quốc gia trong khu vực, Bỉ cũng thắt chặt kiểm soát hoạt động di chuyển của người dân, cấm toàn bộ hoạt động không cần thiết, tụ tập đông người và chỉ các cửa hàng thực phẩm, thuốc được phép mở cửa.
Mỹ hiện cũng có thêm 1.774 ca nhiễm mới, 23 ca tử vong, theo đó tổng số ca nhiễm ở quốc gia này là 6.437 người. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan đến toàn bộ 50 tiểu bang của nước Mỹ, khi West Virginia ghi nhận trường hợp đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu của Imperial College London cho rằng cách tốt nhất để tránh tình trạng quá tải bệnh viện do dịch Covid-19 là thực hiện biện pháp "cách ly xã hội" (social distancing) trong khoảng 1 năm hoặc hơn, cho đến khi các bác sĩ tìm ra cách kiểm soát dịch bệnh. Họ ước tính 81% người Anh và Mỹ sẽ nhiễm bệnh nếu không có biện pháp nào được đưa ra để kiềm chế tốc độ lây lan. Theo đó, Mỹ có thể sẽ ghi nhận 2,2 triệu người chết và Anh là 510.000 người.
Facebook cho biết sẽ hỗ trợ nhân viên với khoản tiền hơn 1.000 USD trong quá trình làm việc từ xa, trong bối cảnh Covid-19 lây lan. Tính đến hiện tại, công ty này có gần 45.000 nhân viên làm việc toàn thời gian, nhưng cũng có hàng nghìn nhân viên hợp đồng khác. Vẫn chưa rõ liệu các nhân viên hợp đồng có nhận được khoản hỗ trợ trên hay không.