Tại thời điểm khảo sát lúc 11h45 sáng nay 12/4, giá vàng hôm nay trong nước ghi nhận tăng vọt cả ở vàng SJC và vàng nhẫn. Cụ thể:
Đối với vàng miếng SJC, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết mỗi lượng vàng miếng thêm 800.000 đồng, vàng miếng SJC chính thức chạm mốc cao nhất lịch sử 85 triệu/lượng. Ở chiều mua vào, giá vàng miếng SJC đang là 83 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa hai chiều đang ở mức 2 triệu đồng.
Tập đoàn DOJI sáng nay tăng 800.000 đồng với vàng miếng SJC, hiện vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này có giá 82,6 mua vào và 84,8 triệu/lượng bán ra.
Cùng xu hướng, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý nâng giá vàng miếng SJC thêm 1 triệu đồng/lượng ở 2 chiều, lên 83 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 85 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Còn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng SJC tăng 950 nghìn đồng/lượng ở chiều mua lên 83 triệu đồng/lượng và 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều bán lên 85 triệu đồng/lượng.
Trong 1 tuần gần nhất, vàng nhẫn tròn tại DOJI đã liên tục giữ mức tăng mạnh nhất thị trường. Hiện tại giá vàng nhẫn DOJI đang giao dịch ở mức 76,25 triệu đồng/ lượng mua vào và 78,25 triệu đồng/ lượng bán ra, tăng 1,85 triệu đồng so với phiên hôm qua.
Vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 75,2 triệu đồng/lượng và 77 triệu đồng/lượng mua vào bán ra.
Trong khi đó, Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng nhẫn lên 1,6 triệu đồng, giá mua vào lên 76,08 triệu đồng/ lượng và 77,98 triệu đồng/ lượng bán ra. Giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC 8 triệu đồng/lượng thay vì hơn 9 triệu đồng/lượng trước đó.
Vàng nhẫn 24K do PNJ chế tác cũng tăng thêm 700.000 đồng chiều mua, lên 75,3 triệu/lượng và tăng 650.000 đồng chiều bán, hiện ở 77 triệu/lượng.
Biên độ giá mua vào - bán ra tiếp tục duy trì ở mức 1,5-2 triệu đồng ở 2 chiều.
Giá vàng trong nước tăng "phi mã" trong bối cảnh vàng thế giới cũng tăng "dựng đứng". Giá vàng hôm nay trên thế giới liên tiếp thiết lập kỷ lục mới khi tăng lên 2.395 USD/ounce, gần chạm mốc 2.400 USD/ounce. Tại thời điểm khảo sát, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh mốc 2.385 USD/ounce, giảm nhẹ so với mức đỉnh mới lập lúc 11h sáng nay (giờ Hà Nội)
Giá vàng tăng vọt trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ vàng. Lo ngại bất ổn kinh tế và địa chính trị ngày càng gia tăng tiếp tục là các nguyên nhân chính hỗ trợ cho thị trường kim loại quý. Dữ liệu chính thức cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã liên tục mua kim loại quý trong 17 tháng qua. Cụ thể, trong tháng 3, lượng dự trữ vàng của nước này tăng lên 72,74 triệu ounce, trong khi trước đó trong tháng 2 là 72,58 triệu ounce. Số liệu cũng cho thấy các quốc gia khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan cũng đã tăng cường mua vàng thỏi trong năm nay.
Đêm qua Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ báo cáo rằng Chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo giá mà các nhà sản xuất trong nước nhận được, đã tăng 2% trong tháng 3. Mặc dù thấp hơn so với những tháng trước, dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát vẫn tăng cao bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua. Điều này diễn ra sau dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hôm thứ Tư cho thấy lạm phát cơ bản đã tăng 0,4% trong tháng 3, vượt quá dự báo. Giá vàng ngay sau đó đã tăng dựng đứng bởi trong cuộc chiến chống lạm phát và bất ổn kinh tế, vàng vẫn được coi là tài sản trú ẩn an toàn.
Mức tăng kỷ lục của vàng nhấn mạnh mối lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể tiếp tục tồn tại bất chấp những nỗ lực chính sách của Fed cho đến nay. Chừng nào những bất ổn kinh tế còn kéo dài, vị thế của kim loại quý như một phương tiện lưu trữ giá trị đáng tin cậy có thể tiếp tục đẩy giá lên mức cao mới.
Ghi nhận tại một số cửa hàng vàng tại Hà Nội trong sáng nay, khách xếp hàng tại các cửa hàng vàng rất đông. Người bán thì ít, người mua thì nhiều. Có người phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới mua được 3 chỉ vàng bởi khách đến xếp hàng mua bán vàng chật kín từ sáng sớm. Trong bối cảnh giá vàng tăng cao khi nguồn cung vàng không đủ, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.Trước tình trạng giá vàng trong nươc tăng dữ dội, chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới, Văn phòng Chính phủ mới đây vừa ban hành thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại nghị định số 24/2012 của Chính phủ. Cụ thể, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước. Chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định. Can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. Đặc biệt, cần cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành.
Trước đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. Các doanh nghiệp này sẽ nhập khẩu 1,5 tấn vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang mỗi năm. Đại diện VGTA cho biết, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại, thay vì cách quá xa như hiện nay.
Giá vàng SJC được cập nhật liên tục tại các hệ thống: SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng.