Giá vàng hôm nay 26/4 ghi nhận cụ thể, khảo sát lúc 15h chiều nay 26/4, giá vàng miếng SJC trên thị trường đang đứng quanh mức 83 – 85,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng chiều mua và 900.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán tăng lên ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán vàng miếng SJC quanh mức 82,6 – 84,8 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng cả ở chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán từ mức 2 triệu đồng tăng lên 2,2 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng thương hiệu PNJ neo ở mức 82,8 triệu đồng/lượng mua vào và 85 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua bán cũng ở mức 2,2 triệu đồng/lượng
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 83,1 – 85 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong phiên 26/4, cũng đảo chiều tăng mạnh so với phiên sáng. Cụ thể, đối với vàng nhẫn, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 74,48-76,08 triệu đồng/lượng. Mức giá này được điều chỉnh tăng 860.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 760.000 đồng/lượng bán ra so với rạng sáng nay.
Nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 74,75-76,4 triệu đồng/lượng, tăng 950.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
SJC cũng điều chỉnh tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra và 500.000 đồng/lượng chiều mua vào. Mức giá sau điều chỉnh là 73,7 – 75,4 triệu đồng/lượng.
Đến nay, sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước thông báo tổ chức đấu thầu, trong đó 2 lần bị hủy, giá vàng miếng vẫn trong tình trạng tăng - giảm thất thường, chưa ghi nhận sự ổn định. Điều này đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh vàng thờ ơ với việc đấu thầu trong khi giá cọc mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là quá cao.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với mức giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá đấu thầu quá cao là lý do chính dẫn đến việc các doanh nghiệp không mặn mà với việc đăng ký tham gia. Thay vào đó, họ sẵn sàng mua – bán vàng ngoài thị trường để tránh thời gian chờ đợi 2 ngày nhận vàng từ NHNN.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm, “Điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao, khó thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu”.
Cùng thời điểm khảo sát, giá vàng hôm nay thế giới tăng thêm 17 USD so với phiên sáng lên 2.347 USD/ounce. Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần ở mức 207.000 trong tuần 20/4, thấp hơn so với tháng trước là 212.000 đơn và dự báo 214.000 đơn.
Lo ngại nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu, đồng USD quay đầu giảm khiến giới đầu tư quay lại mua vàng, khiến giá vàng tăng trở lại. Tuy vậy, bất chấp các diễn biến về lạm phát, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng mua vàng đáng kể trong quý đầu tiên. Động thái này được thúc đẩy bởi mong muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoài đồng đô la Mỹ, sau lệnh trừng phạt đóng băng tài sản bằng đồng đô la của Nga. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã tăng cường mua vàng thỏi. Tỷ lệ nắm giữ vàng của Trung Quốc trong tổng dự trữ đã tăng lên 4,3% vào cuối năm 2023 từ mức 3,6% vào đầu năm 2022.
Với tình hình bất ổn kinh tế kéo dài và sự đa dạng hóa nguồn dự trữ của các ngân hàng trung ương, vị thế trú ẩn an toàn của vàng có thể tiếp tục được củng cố và duy trì đà tăng trong thời gian tới.