Gần đây nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) là “ông lớn” đầu tiên tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 11 tháng và từ 24 tháng trở lên với mức tăng 0,2%. Sau điều chỉnh, lãi suất các kỳ hạn trên tại VietinBank đang nhỉnh hơn so với 3 ngân hàng còn lại trong nhóm “Big4” (Agribank, Vietcombank và BIDV).
Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-2 tháng tăng từ 1,7% lên 1,9%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng 0,2 điểm% lên 2,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 11 tháng từ 3% lên 3,2%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng, mức lãi suất giữ nguyên, hiện ở mức 4,7%/năm. Đáng chú ý, lãi suất các kỳ hạn 24-36 tháng hiện đang ở mức 4,8%/năm.
Sau ngân hàng VietinBank, đã có thêm một ông lớn ngân hàng khác trong nhóm Big4 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng lần đầu tiên tăng lãi suất huy động trong vòng hơn 1 năm qua, với 0,2 điểm phần trăm cho các kỳ hạn 1-11 tháng kể từ ngày 25/4. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 2%/năm, 3-5 tháng lên 2,3%/năm, 6-11 tháng lên 3,3%/năm. BIDV giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại. Lãi suất kỳ hạn 11-18 tháng là 4,7%/năm, 24-36 tháng là 4,8%/năm.
Việc điều chỉnh này tại BIDV chỉ đối với hình thực trực tuyến, còn hình thức gửi tiết kiệm tại quầy hiện vẫn đang giữ mức niêm yết cũ.
Hiện tại, theo cập nhật của Dân Việt, 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV ngày 30/4/2024, biểu lãi suất huy động đang được niêm yết quanh ngưỡng 1,6-4,8%/năm.
Ở khối ngân hàng tư nhân, OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.
Hay tại KienLong Bank điều chỉnh tăng từ 0,1- 0,3 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 6-13 tháng. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 4, nhà băng này tăng lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, lên 4,7%/năm; kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên 5%/năm và 5,2%/năm. Với việc điều chỉnh lãi suất, KienLong Bank trở thành ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất các kỳ hạn từ 6-12 tháng.
Với TPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng tại nhà băng này được điều chỉnh tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, lần lượt được niêm yết ở mức 2,8% và 3,1%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lần lượt đạt mức 4% và 4,9%/năm. Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng cùng được TPBank điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, lần lượt đạt mức 5,1% - 5,2% - 5,3%/năm.
Tại Ngân hàng Xây Dựng (CB) tăng đồng loạt 0,5 điểm phần trăm tiền gửi các kỳ hạn từ 6-36 tháng từ ngày 25/4. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng là 4,5%/năm, 7-11 tháng 4,45%/năm, 12 tháng 4,65%/năm. Kỳ hạn 13-36 tháng có lãi suất cao nhất 4,9%/năm. CB giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-2 tháng ở mức 3,1%/năm, và 3-5 tháng là 3,3%/năm.
Kể từ đầu tháng 4 đến nay, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, dựa trên báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, đến tháng 4, nhiều ngân hàng lại có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Làn sóng tăng lãi suất này đang lan rộng ra trong khối các ngân hàng.