ASEAN
Hồi tháng 4/2022, IMF dự báo Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines tăng trưởng GDP lần lượt là 5,4%; 3,3%; 5,6%; 3,7%; 6,5% vào năm 2022.
Tháng 7/2022, dự báo cho Indonesia được điều chỉnh giảm xuống còn 5,3%, Thái Lan còn 2,8%, Malaysia còn 5,1%, và Philippines lên 6,7%.
Cũng vào tháng 7/2022, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7%, tăng 1 điểm % so với dự báo được đưa ra hồi tháng 4 và là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Trong báo cáo mới nhất được công bố hôm nay, IMF dự báo Malaysia, Singapore và Philippines tăng trưởng GDP lần lượt là; 5,4% (tăng 0,3 điểm phần trăm); 3% (giảm 0,3 điểm phần trăm); 6,5% (giảm 0,2 điểm phần trăm) vào năm 2022.
Trong khi đó, Indonesia (5,3%), Thái Lan (2,8%) và Việt Nam (7%) được giữ nguyên dự báo tăng trưởng. Tăng trưởng của Việt Nam là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6.
Nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay.
Châu Á
IMF cũng dự báo tăng trưởng GDP châu Á sẽ đạt 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Đây là lần thứ tư tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm nay. Nguyên nhân là do tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo chậm lại, ở mức 3,2% trong năm nay, so với mức tăng 8,1% vào năm 2021.
Các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng lần lượt 4,4% và 4,9% vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Toàn cầu
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%. Trong khi đó, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 dự báo sẽ giảm xuống 2,7%, (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo 2,9% được đưa ra hồi tháng 7). Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giãn cách vì Covid-19.