Ngày 19-5, đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khảo sát thực tế một số vị trí quan trọng của dự án đường Vành đai 3. Đoàn khảo sát nhận định việc đầu tư đường Vành đai 3 là cấp thiết và cấp bách.
Các địa phương đều quyết tâm
Tại các điểm khảo sát như nút giao đường Vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Trung Lương, nút giao Bình Chuẩn, nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương), đoàn khảo sát nhận định trên các tuyến cửa ngõ kết nối TP HCM với tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13… đều quá tải. Cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 3 nhằm phát huy hiệu quả liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nói về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư dự án phía TP HCM, gọi tắt Ban Giao thông), cho biết từ nay đến ngày 23-5, TP HCM cùng các tỉnh đã chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu, trình dự án lên Quốc hội.
Theo ông Phúc, TP HCM cùng 3 tỉnh đã chuẩn bị 3 nhóm việc: Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được các địa phương khảo sát, chuẩn bị khu vực tái định cư (TĐC) tại chỗ. Đặc biệt, khi Quốc hội thông qua, các địa phương sẽ triển khai một số bước trong công tác GPMB trước khi dự án nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt. Thứ hai, sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các mỏ nguyên vật liệu, bảo đảm cung cấp đủ cho quá trình thực hiện dự án. Thứ ba, chuẩn bị bộ máy nhân sự vận hành, bảo đảm vai trò đầu mối của TP HCM. "Một trong những thách thức của dự án là khối lượng GPMB rất lớn, với việc di dời hơn 3.800 hộ dân, trong đó hơn 1.500 hộ TĐC tại chỗ. Riêng TP HCM có gần 2.500 hộ dân ảnh hưởng với 741 hộ TĐC tại chỗ, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị" - ông Phúc nhấn mạnh.
Tại buổi khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định các địa phương rất quyết tâm thực hiện dự án đường Vành đai 3 khi hầu hết đều cam kết sẽ có phiên họp HĐND bất thường nhằm bảo đảm nguồn vốn bố trí, kể cả vốn điều chỉnh tăng thêm cho dự án. Các đại biểu đều nhận định việc xây dựng tuyến Vành đai 3 rất cấp thiết và cấp bách. Đoàn khảo sát sẽ báo cáo Quốc hội sớm thông qua dự án đường Vành đai 3 trong kỳ họp tới.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thị sát vị trí nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc TP HCM - Trung Lương vào ngày 19-5
Bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân
Tại cuộc họp cùng ngày sau buổi khảo sát ở UBND TP HCM, nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định sự cần thiết của dự án nhưng đề nghị TP HCM với vai trò là đầu mối cần làm rõ về nguồn nguyên vật liệu khai thác cho dự án; vấn đề TĐC cho người dân; bổ sung cơ chế phối hợp, thể hiện vai trò điều phối của TP HCM hay vấn đề chỉ định thầu…
Báo cáo tiến độ chuẩn bị dự án, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố với vai trò là đầu mối đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong tuần này sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thường vụ Quốc hội. Các địa phương đều có nghị quyết của HĐND nhằm bảo đảm nguồn vốn bố trí cho dự án, nếu nguồn vốn tăng so với dự kiến thì địa phương sẽ thu xếp. Tuy khó khăn nhưng 4 địa phương sẽ cố gắng.
Về công tác bồi thường GPMB, TĐC cho người dân, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố sẽ thực hiện trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân như giá cả đền bù thỏa đáng, TĐC tại chỗ, bảo đảm sinh kế cho người dân. Thành phố có sẵn quỹ nhà để người dân tạm cư trong thời gian thực hiện dự án. GPMB là vấn đề khó nhất, khi Quốc hội thông qua dự án, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành công tác GPMB, khởi công dự án.
"Trong 4 địa phương thì TP HCM phải nỗ lực nhiều hơn. Dự kiến thành phố sẽ thành lập ban chỉ huy dự án, 1 văn phòng dự án và hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia, nguyên lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong GPMB. Cơ chế này sẽ giúp nhận diện sớm các khó khăn, kịp thời đưa ra các giải pháp. Tuy có nhiều khó khăn nhưng với vai trò điều phối, TP HCM cam kết sẽ làm tốt vai trò này" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thu hàng chục ngàn tỉ đồng từ khai thác quỹ đất
Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 90 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án sẽ được chia làm 8 dự án thành phần, gồm 4 dự án giải phóng mặt bằng và 4 dự án xây lắp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến 75.300 tỉ đồng. Ngân sách trung ương bố trí gần 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đoạn qua Long An. Phần còn lại là ngân sách địa phương.
Ngoài ra, các địa phương đề xuất rà soát, thu hồi quỹ đất dọc vành đai để đấu giá, góp phần tìm kiếm nguồn lực đầu tư dự án. Cụ thể, hơn 500 ha đất công dọc đường Vành đai 3 qua TP HCM được tính toán đấu giá thu gần 30.000 tỉ đồng. Tương tự, tại Đồng Nai, khoảng 214 ha có thể đấu giá mang về hơn 4.300 tỉ đồng. Phía Bình Dương và Long An đang rà soát để có con số cụ thể.