Hồi đầu tháng 3 vừa qua, thành phố Mexico (thủ đô của Mexico) đã khai trương và vận hành hệ thống cáp treo đô thị đầu tiên của thành phố để phục vụ việc đi lại của cư dân tại khu vực với dân số 9 triệu người (trong khi đó, dân số Hà Nội được ước tính là khoảng 8,3 triệu người).
Lễ khánh thành chặng đầu tiên của tuyến "Cablebus" đánh dấu chương mới nhất trong mối quan tâm của quốc gia châu Mỹ Latinh với hệ thống cáp treo, vốn phần lớn chỉ dành cho mục đích phục vụ khách du lịch và các khu dốc trượt tuyết.
Tuyến cáp treo đô thị
Cáp treo được coi là phương án rẻ hơn, nhanh hơn để đưa phương tiện giao thông công cộng đến các cộng đồng có thu nhập thấp ở vùng địa hình sườn đồi cao. Vì hoạt động trên cao, các tuyến đường cáp không gặp nhiều vấn đề với các vấn đề phức tạp ở Châu Mỹ Latinh như quy hoạch hỗn loạn và cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp.
Tuyến cáp treo với kinh phí 2,9 tỷ peso (khoảng 145 triệu đô la Mỹ) kết nối Cuautepec, một khu dân cư của tầng lớp lao động trong khu vực đồi núi của quận Gustavo A. Madero, đến Ga tàu điện ngầm và bến xe buýt Indios Verdes, mất 33 phút cho cả chặng. Đây là tuyến cáp treo dài nhất ở Mỹ Latinh với tổng chiều dài 9,2 km, với 6 trạm dừng cùng 63 trụ cáp treo. Tuyến cáp di chuyển với tốc độ 5 mét/giây, hoặc gần 20km/h.
Giá vé cho mỗi lượt trên tuyến Cablebus là 6 peso (khoảng 6,5 nghìn VNĐ).
Theo các quan chức địa phương, nếu muốn đi tới khu trung tâm, cư dân trên đỉnh đồi ở Tlalpexco thường phải di chuyển trên những chiếc xe tải nhỏ đông đúc và di chuyển chậm. Trong khi đó, với cáp treo, người dân có thể đi lại thuận tiện trong các buồng chứa được 10 hành khách một lúc, tranh thủ ngắm cảnh khi vẫn di chuyển với tốc độ khoảng gần 20km/h (đường chim bay), nhanh hơn nhiều so với hầu hết các phương tiện khác trong thành phố.
"Có gần một triệu cư dân sống trong khu vực xung quanh Cablebus, và họ phải đi lại bằng những chiếc xe tải nhỏ, đi qua những con phố hẹp và có thể mất tới 55 phút hoặc 1 giờ cho những quãng đường ngắn", Guillermo Calderon, giám đốc hệ thống giao thông điện của thành phố Mexico, cho hay.
Các giải pháp giao thông truyền thống như các tuyến xe buýt hoặc tàu điện ngầm hầu như không thể áp dụng được ở đây bởi vì xe cộ không được đi trong các khu ổ chuột đông đúc trong khi các khu dân cư tập trung đông đúc dọc theo các sườn đồi trên các sườn dốc 15 độ.
Người dân có thể ngắm cảnh từ trên cao trong khi di chuyển.
Thị trưởng Claudia Sheinbaum cho biết một đường cáp treo thứ 2 đang được xây dựng ở Iztapalapa, một khu dân cư khác của tầng lớp lao động, ở phía đông.
Lợi ích của cáp treo
Sheinbaum nói: "Có phương tiện giao thông tốt cho những vùng nghèo nhất của thành phố sẽ làm giảm bất bình đẳng".
Evelyn Sánchez, cư dân của Cuautepec cho biết, giống như hầu hết mọi người ở đây, khó khăn lớn nhất cô gặp phải là đến được ga tàu điện ngầm gần nhất.
"Chúng tôi mất nhiều thời gian, và bây giờ với hệ thống cáp treo… việc đi lại sẽ nhanh hơn rất nhiều," Sánchez nói.
Thành phố Medellin, Colombia, triển khai cáp treo đô thị vào năm 2004. Kể từ đó, nhiều thành phố Mỹ Latinh khác đã làm theo, bao gồm cả Rio de Janeiro và La Paz, Bolivia.
Tuyến cáp treo được người dân đón nhận nồng nhiệt.
Sau nửa năm hoạt động, cáp treo mới ở phía bắc Thành phố Mexico đã chứng tỏ sức hút khi số lượng cư dân đi cáp treo cao hơn nhiều so với dự đoán.
Tuyến 1 của hệ thống Cablebus ghi nhận tới 56.000 người dùng mỗi ngày, so với 48.000 người theo ước tính ban đầu. Theo các quan chức thành phố, số liệu này khiến Cablebus trở thành cáp treo được sử dụng nhiều thứ 2 ở khu vực Mỹ Latinh - thậm chí tính theo số lượng trước đại dịch.
Phương tiện giao thông mới đã được người dân đón nhận mạnh mẽ, bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội chỉ cho phép 6 người đi trong mỗi cabin.
Cho đến nay, gần 10% hành khách đã được hưởng lợi từ việc vận chuyển miễn phí thông qua Thẻ tàu điện ngầm dành cho người khuyết tật và người già trên 60 tuổi.
"Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian. Lẽ ra họ phải xây cáp treo từ lâu rồi mới phải", thợ điện 46 tuổi Marco Antonio Garcia nói, vui mừng vì hành trình kéo dài hơn một giờ đồng hồ giờ chỉ mất 20 phút.
"Chúng ta đang ở Pháp hay Thụy Sĩ đây?" - anh nói, cười đùa cùng với những hành khách khác.
Trái ngược với xe buýt và tàu điện ngầm. Hệ thống cáp treo hầu như không xuất hiện nạn móc túi và trộm cắp, hành khách trên hệ thống Cablebus mới có chỗ ngồi thoải mái, có chỗ để chân, máy lạnh và Wi-Fi.
"Cáp treo làm giảm thời gian đi lại của tôi rất nhiều", Karen Leon, sinh viên tâm lý học 21 tuổi, cho biết trong chuyến đi cùng các thành viên trong gia đình.
Hệ thống cáp treo tương tự cũng đã được triển khai ở một số thành phố Mỹ Latinh khác, đặc biệt là La Paz và El Alto liền kề ở Bolivia, nơi có đường cáp treo dài 32 km.