Theo đó, trong các ngày từ 12 đến 14-2, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Duy Xuyên (SN 1955) – cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Quang Trung, kiêm Giám đốc Xí nghiệp tổng hợp về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Giúp sức cho Xuyên là Thân Thị Nhậm (SN 1955, trú phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, vợ Xuyên); Bùi Thị Ngọc Lan (SN 1960, trú tại phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Văn Vương (SN 1975, ở phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) và Tăng Thị Thanh Hà (SN 1957, cựu Kế toán Công ty Quang Trung) nên cũng lần lượt bị xem xét về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vợ chồng Nguyễn Duy Xuyên (hàng trước) và các bị cáo liên quan.
Quá trình xét xử cho thấy, trong thời gian từ tháng 5 đến 6-2011, Nguyễn Duy Xuyên đã sử dụng 2 giấy ủy quyền của ông Nguyễn Thế Phương - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quang Trung ủy quyền cho ông ta với tư cách là Phó tổng giám đốc doanh nghiệp, kiêm giám đốc Xí nghiệp tổng hợp để lập hồ sơ vay vốn của 2 ngân hàng, rồi chiếm đoạt tiền vay.
Cụ thể, tháng 5-2011, Xuyên lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội cho Xí nghiệp tổng hợp vay tiền có tài sản đảm bảo. Sau khi thẩm định hồ sơ, ngân hàng này đã ký hợp đồng tín dụng cho vay với hạn mức 25 tỷ đồng.
Và để được giải ngân, Xuyên nộp vào ngân hàng bộ hồ sơ thể hiện Xí nghiệp tổng hợp mua bán hàng hóa với các đơn vị khác, đề nghị giải ngân cho vay, trong đó có 14 hồ sơ mua bán phôi thép khống, xoay vòng giữa Xí nghiệp tổng hợp, Công ty Thép Hà Nội và Công ty Đông Á.
Thế nhưng các giấy tờ nêu trên đều do Xuyên, Thân Thị Nhậm, Bùi Thị Ngọc Lan và Nguyễn Văn Vương tạo lập ra, không hề có việc mua bán hàng hóa ngay thẳng trong thực tế. Agribank Nam Hà Nội sau đó đã giải ngân cho Xí nghiệp tổng hợp vay để trả tiền cho Công ty Đông Á hơn 21 tỷ đồng.
Khi tiền chuyển vào tài khoản của Công ty Đông Á, Vương lại ký các ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khỏan của Công ty Thép Hà Nội và Nhậm thì ký các ủy nhiệm chi chuyển số tiền này vào tài khoản của Xí nghiệp tổng hợp để giúp Xuyên chiếm đoạt.
Tài liệu điều tra xác định, trong quá trình vay nợ tín dụng, tổng số tiền Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội giải ngân cho Xí nghiệp tổng hợp vay là hơn 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, Xuyên đã thanh toán, hoàn trả ngân hàng số tiền gốc và tiền lãi hơn 29 tỷ, trong đó tiền gốc là hơn 26 tỷ. Số tiền còn lại hơn 25 tỷ đồng, Xuyên chiếm đoạt hết.
Cũng với thủ đoạn tương tự, tháng 6-2011, Xuyên dùng báo cáo tài chính giả năm 2010 của Công ty Quang Trung để lập hồ sơ vay vốn của Vietinbank – Chi nhánh Đông Hà Nội (không có tài sản đảm bảo) với lý do phục vụ kế hoạch sản xuất năm 2011 của Công ty Quang Trung.
Ngân hàng sau đó đã thẩm định và ký hợp đồng tín dụng, cho Công ty Quang Trung vay, hạn mức 25 tỷ đồng. Nhằm được giải ngân, Xuyên sau đó nộp vào ngân hàng bộ hồ sơ thể Xí nghiệp tổng hợp mua hàng của các đơn vị khác, trong đó có 11 hồ sơ mua bán khống, xoay vòng giữa Xí nghiệp tổng hợp, Công ty Thép Hà Nội và Công ty Đông Á.
Theo tài liệu truy tố, tổng số tiền Xuyên và đồng phạm chiếm đoạt của 2 ngân hàng là 49 tỷ đồng. Trong đó, Xuyên chiếm đoạt toàn bộ số tiền này, còn Thân Thị Nhậm, Bùi Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Vương đồng phạm giúp sức cho Xuyên chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng và Tăng Thị Thanh Hà đồng phạm với Xuyên chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng.
Hiện, các nguyên đơn dân sự trong vụ án đề nghị cơ quan tố tụng buộc các bị cáo cùng Công ty Quang Trung phải liên đới bồi thường số tiền đã bị Xuyên và đồng phạm chiếm đoạt. Quá trình xử án cũng cho thấy, Thân Thị Nhậm đã thế chấp Dự án nhà máy thép Đông Á để khắc phục hậu quả.
Chiều 14-2, sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Duy Xuyên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 tháng tù về tội “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức” và tổng hợp hình phạt là 18 năm 6 tháng tù.
Với vai trò giúp sức tích cực nhất cho chồng về tội lừa đảo, Thân Thị Nhậm bị tuyên phạt 9 năm tù. Với tội danh bị truy tố, các bị cáo còn lại lần lượt bị xử phạt từ 30 tháng tù đến 8 năm tù. Ngoài ra, Tòa án Hà Nội còn tuyên buộc vợ chồng Nguyễn Duy Xuyên phải bồi thường toàn bộ 49 tỷ đồng cho các ngân hàng.