Ngày 31-10, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Trong quy chế này yêu cầu người có thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ cung cấp điện nước có trách nhiệm tạm dừng việc cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng gồm: Công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai nội dung của giấy phép; công trình xây dựng không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép; công trình vi phạm quy định về chất lượng công trình xây dựng gây nứt lún…; thi công xây dựng không che chắn; công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Việc quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo, vi phạm tràn lan trong thời gian qua khiến người dân Đà Nẵng hết sức bức xúc. Ảnh: LÊ PHI.
Ngoài ra, ông Thơ còn giao các đơn vị liên quan có công trình vi phạm trên đất thuộc đơn vị mình được giao quản lý, có trách nhiệm phối hợp kịp thời với các lực lượng chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Đặc biệt, trong quy chế này, Sở TN&MT sẽ xem xét tạm dừng việc đăng ký tài sản gắn liền đất đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến việc chứng nhận tài sản gắn liền trên đất, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Sở Du lịch phải tạm dừng việc xem xét công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch thuộc thầm quyền đối với hạng từ 1-3 sao đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thuỷ lưu trú du lịch theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch) hoặc kiến nghị Tổng cục du lịch tạm dừng việc xem xét công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (từ 4-5 sao) đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Sở KH&ĐT xem xét tạm dừng việc cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh trong trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng được sử dụng làm cơ sở để đăng kí kinh doanh.
Ngoài ra, công an TP phải chỉ đạo tạm dừng việc đồng ý cho phép nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Các Sở TN&MT, Du lịch, Sở KH&ĐT, Công an TP sẽ thực hiện việc trên theo đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch UBND xã phường, quận huyện hoặc Sở Xây dựng khi các tổ chức cá nhân vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm, chưa khắc phục hậu quả.
Trong quy chế do ông Huỳnh Đức Thơ kí nêu rõ “người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tuỳ theo tính chất mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trật tự xây dựng nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử lý, quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế.
Trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền cũng sẽ bị xử lý theo quy định.