Tại Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, kết quả, bài học và định hướng giai đoạn 2021-2025” diễn ra tại Hà Nội, hôm nay (21/1), các đại biểu cho rằng, mặc dù việc cải thiện môi trường kinh doanh ở một số nội dung đã được cải thiện tốt, song hiện vẫn còn nhiều lĩnh vực, nội dung đang có khoảng cách cách biệt so với nhóm nước ASEAN 4.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Nghị quyết 19 được ban hành hàng năm đều cải tiến, đổi mới và tiếp nối các Nghị quyết 19 trước đây.
Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và kết quả trong triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, trao đổi, nhận diện về các rào cản của môi trường kinh doanh.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ).
Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Cùng với đó, điều kiện kinh doanh trùng lặp được cắt bỏ; chuyển điều kiện kinh doanh sang quản lý theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam.
Hơn nữa, một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch; cẩn trọng trong ban hành các quy định; có sự giám sát của nhiều bên; tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn.
Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nâng cao chất lượng kinh doanh vẫn còn nhiều dự địa để cải thiện, hiện, vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản, cắt giảm chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức. Cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng cần có sự đột phá...
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cần phải đổi mới quy trình, tăng cường chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, giảm chồng chéo, có sự chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan cấp phép thì không nên chủ trì trực tiếp quá trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật, bởi ban hành văn bản pháp luật có thể tạo ra những chi phí thực thi, kể cả cho doanh nghiệp cho xã hội và trong bộ máy rất lớn. Việc ra một văn bản pháp luật là phải tính toán đầy đủ các chi phí này.
"Để thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tôi cho rằng cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới có lẽ phải nâng cấp lên, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch", ông Tuấn kiến nghị.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý: Các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh.
"Cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, gia tăng, gia cố an toàn trong đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định về điều kiện kinh doanh; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức hạn chế, làm thui chột tự do kinh doanh...", TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.