Ngày 15/8 là hạn chót trình Chính phủ phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Nhiều ý kiến lo ngại về tính thực chất của các phương án cắt giảm.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến cuối tháng 7/2018, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 900 trong tổng số 5.905 điều kiện kinh doanh. Đáng chú ý, có nhiều phương án đưa ra các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách rất quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ ĐKKD khá cao.
Ví dụ phương án của Bộ Giao thông vận tải, tổng số điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%. Hay tổng số điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa là 49, đề xuất bỏ 34, sửa 2, bổ sung 3, đạt tỷ lệ 67,34%. Cá biệt, Bộ Xây dựng có đến 89,4% ĐKKD được đề nghị cắt giảm, đơn giản hoá.
Cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc cắt giảm ĐKKD đã cho thấy các rào cản đang dần được gỡ bỏ, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, những con số thống kê này chưa hẳn là “màu hồng”, bởi tỷ lệ cắt bỏ hẳn ĐKKD bất hợp lý vẫn còn ít so với tỷ lệ sửa đổi.
Việc tồn tại những điều kiện kinh doanh không hợp lý cùng thủ tục hành chính rườm rà đang là gánh nặng của các doanh nghiệp, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, hội nhập, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp.
Theo ông Doanh, sau khi trình Chính phủ phương án cắt giảm ĐKKD, các bộ ngành liên quan cần gặp gỡ với các doanh nghiệp để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và phải nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa.
Bởi nếu không cải thiện được môi trường kinh doanh, không giảm được chi phí, thời gian và tiền bạc thì doanh nghiệp sẽ khó có thể cạnh tranh được với hàng hóa của các nước ASEAN đang tràn vào Việt Nam. Nguy cơ đó thực sự là sức ép rất lớn và buộc doanh nghiệp và các bộ, ngành cần phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI băn khoăn chia sẻ, một trong những tồn tại của việc cắt giảm ĐKKD hiện nay là qua dự thảo, một số phương án cắt giảm chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, nhiều đơn vị có xu hướng và góc nhìn bị giới hạn trong phạm vi văn bản, giới hạn trong phạm vi ngành nghề được rà soát. Chỉ rà soát kiến nghị sửa đổi các ĐKKD mà không xem xét đến kiến nghị loại bỏ ngành nghề đó ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện theo những kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp.
Ông Tuấn mong muốn, các cơ quan Chính phủ có liên quan như, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, cần làm việc với các bộ, ngành, để góp ý về phương án cắt giảm, sao cho thực chất, có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người kinh doanh phải là những đối tượng được hưởng lợi thực chất từ các phương án cắt giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Những dự thảo sửa đổi nghị định cần theo hướng thực chất, tức các cơ quan chủ trì thẩm tra, thẩm định cần chú trọng nhiều vào thẩm tra nội dung và đề xuất cắt giảm. Những đề xuất cắt giảm mang tính hình thức như chỉnh sửa lại các điều kiện kinh doanh về mặt câu chữ hay chỉ cắt giảm những ngôn từ không có ý nghĩa thì cần tính toán lại cả con số”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm cho biết, việc các bộ, ngành nỗ lực cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh là tín hiệu vui của nhiều doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ tạo cho doanh nghiệp những điều kiện thuận lợi để nhanh chóng thay đổi và thích nghi với tình hình thực tiễn để tồn tại và phát triển. Với các doanh nghiệp có nền tảng cơ sở tốt sẽ có thêm điều kiện để phát triển, sẽ có thêm nhiều đối tác, khách hàng mới.
“Các bộ, ngành cần điều chỉnh nhiều hơn, cắt giảm mạnh mẽ hơn các thủ tục rườm rà, bất hợp lý, sao cho xã hội phải trở thành hệ thống giám sát đối với các hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó buộc các doanh nghiệp làm ăn chân chính, công khai minh bạch và giá trị của doanh nghiệp là một phần không thể tách rời của các giá trị bền vững trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ngày càng cường thịnh”, ông Thành mong muốn./.