Trao đổi với báo chí ngày 27.5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, trong một vài ngày tới, NHNN sẽ tổ chức hội nghị trong toàn ngành để đánh giá những kết quả về cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là kết quả trong hoạt động cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vay vốn, tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Liên quan đến nội dụng này, đại diện NHNN cho hay, trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho người dân, DN vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Hệ thống các TCTD đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.
Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất cũng được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng; các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá cả dịch vụ.
“Đáng chú ý, các ngân hàng đã tổ chức hơn 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN trên toàn quốc; đã cho vay mới hơn 50.000 DN; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỉ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 DN” – ông Đào Minh Tú cho biết thêm.
Trong hoạt động cải cách tại NHNN, đến nay đã cắt giảm 31% điều kiện kinh doanh, 20% chế độ báo cáo định kỳ đảm bảo thực chất; toàn bộ TTHC được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC với trọng tâm là các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và hỗ trợ phát triển DN”.
Thời gian qua, nhờ những nỗ lực trong thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện tăng 13 bậc (so với năm 2016).
Cũng tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) công bố cuối tháng 10.2018, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), đứng thứ 3 trong khu vực và ngang bằng với Singapore và Malaysia. Đồng thời, chỉ số tiếp cận tín dụng là 1 trong 2 chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4.