Đã có ít nhất 4 báo cáo được trình ra Quốc hội đề cập đến cuộc chiến giấy phép con. Đây là cuộc chiến đang được Chính phủ đẩy lên thành cao trào rộng lớn trong lịch sử phát triển nền kinh tế sau hơn 3 thập kỷ đổi mới.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, hay theo cách thường gọi là các giấy phép con; đồng thời, công khai chỉ số cải cách hành chính của các bộ ngành, địa phương.
Chưa nhiều lạc quan
Báo cáo cụ thể hơn về nội dung này, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá các rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Qua rà soát đã tập hợp được các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn tại nhiều văn bản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, trình Chính phủ bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay.
Trong số này, cơ quan ngành kế hoạch đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm; 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.
Bộ Công Thương cũng tiến hành rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đồng thời đề xuất kế hoạch, lộ trình cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh cũng như phương án giám sát cụ thể (dự kiến có khoảng 38-50% tổng số điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm)...
Những động thái này giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn gián tiếp đều tăng mạnh. Các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đều tăng lên so với năm 2016.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá về kết quả cuộc chiến với giấy phép con chưa nhiều lạc quan.
Cơ quan này cho rằng, cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chưa phát huy hiệu quả; một số nơi dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; nhiều thủ tục hành chính chưa hợp lý, mức độ cải thiện còn hạn chế; việc cấp giấy phép cho hoạt động sản xuất, kinh doanh còn chậm; thiếu giải pháp kiên quyết để khắc phục tình trạng “giấy phép con, giấy phép cháu” trong một số thủ tục hành chính.
Chậm được khắc phục
Nguyên nhân của tình trạng này được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra là việc thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính chưa nghiêm; ý thức trách nhiệm và năng lực một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
Theo phản ánh của cử tri, vẫn còn một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp có hành vi phản cảm, thái độ vô cảm, nhũng nhiễu, tham nhũng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp... nhưng vẫn chậm được khắc phục và đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận .
Bà Nga dẫn ra đánh giá PAPI 2016 cho thấy, vẫn còn tới 10% số người đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chờ từ 100 ngày trở lên. Ngoài ra, khoảng 23% cho biết họ đã phải đưa “lót tay” mới làm xong thủ tục, 10% phải đi qua môi giới và 20% phải đi lại hơn 5 lần mới xong việc.
Trong số bốn nhóm dịch vụ hành chính PAPI đo lường, dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt điểm thấp nhất với 1,65 điểm trên thang điểm từ 0,25 đến 2,5.
Tỷ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng.
Khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỷ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011. Tỷ lệ người dân cho rằng cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng.
Khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, cứ 3 doanh nghiệp tư nhân tham gia điều tra, thì có 1 doanh nghiệp phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện các thủ tục hành chính...
“Chính phủ cần khẳng định không có chặng cuối cho cuộc chiến với giấy phép con”, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo ông Lộc, Chính phủ vẫn cần tập trung, kiên trì vào việc khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức đang đè lên vai của người dân và doanh nghiệp.
“Chính phủ đã quán triệt rất sâu sắc chủ trương này, hành động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua cho thấy quyết tâm rất lớn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Thủ tướng, những cam kết cải cách mạnh mẽ của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tp.Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh là rất đáng được biểu dương”, ông Lộc nói, “nhưng rất tiếc là cho tới nay kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng ở nhiều cấp, nhiều ngành”.